Theo giới thiệu thì chủ gian hàng này là ông Phan Đình Trường, Giám đốc Cty Phát triển Bất động sản và Đầu tư Nông lâm ngư nghiệp Đắk Giáo Xuân (Đắk Giáo Xuân, trụ sở ở Bình Dương). Ông Trường nói rằng , công ty có 1 quỹ đất 6ha ở Đắk Nông làm dự án homestay nghỉ dưỡng mang tên Đắk Xuân Home, giá mỗi lô trên 1 tỷ đồng. Tất cả sổ đỏ mang tên các cổ đông của công ty, bên mua phải cam kết đầu tư nhà cùng công ty, kiểu nhà mẫu từ 400 đến 600 triệu đồng/căn theo phong cách Nhật Bản...
Vào cuộc xác minh, ngày 6/12, chúng tôi tiếp cận được vị trí xây dựng dự án Đắk Xuân Home ở quanh hồ chứa nước Đắk Rung 1, thuộc Bon (buôn) Ding Plei, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Tại đây, một khoảnh đất rộng lớn đã bị san ủi, tạo đường đất chạy ở giữa, máy múc đang san gạt dưới suối.
Công ty Đắk Giáo Xuân chào bán sổ đỏ tại hội nghị do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 13/10/2022 |
Sau khi Tiền Phong cung cấp những thông tin thực tế khác với Đắk Giáo Xuân quảng cáo rầm rộ là dự án homstay, ông Ngô Tân Khánh Vĩnh - Chủ tịch HĐQT công ty này thừa nhận không có dự án nào như vậy và “xin không phản ánh thông tin này”.
Sau khi PV báo Tiền Phong cung cấp thông tin, Sở TN&MT Đắk Nông đã chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực trạng khu đất trên. Theo báo cáo, tại vị trí quảng cáo dự án Đắk Xuân Home có các thửa đất do bà Tạ Thị Lan Hương (trú Bình Dương) đứng tên, rộng khoảng 30.000m2, đất trồng cây lâu năm. Tại đây, cây cà phê đã bị nhổ sạch, san gạt tạo đường đất dân sinh chạy xuyên giữa.
Lãnh đạo UBND huyện Đắk Song khẳng định, trên địa bàn không có dự án Đắk Xuân Home nào được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư như quảng cáo.
Theo ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, tại thửa đất ven suối bên dưới (Đắk Giáo Xuân quảng cáo cũng thuộc dự án Đắk Xuân Home-PV) có diện tích hơn 4.000m2 cũng là đất trồng cây lâu năm, do bà Ngô Hoa Tiên Vy ở Bình Dương đứng tên, đã múc đất làm đường dài 100m, rộng 3m theo bậc tam cấp. Bà Vy đã làm sạch lòng suối, xếp đá có độ cao từ 0,3-0,5m để tích trữ nước.
“Sang tuần, chúng tôi yêu cầu chủ lô đất khôi phục lại hiện trạng ban đầu khu vực thác nước, lòng suối. Sau khi làm việc các bên, căn cứ quy định pháp luật, hiện trạng đất, UBND xã Trường Xuân sẽ lập biên bản, xử phạt hành chính”, ông Đô cho biết thêm.
Làm sao tiếp cận dự án sạch?
Theo ông Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông, hiện tỉnh và các huyện chưa có Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022. “Đối với việc tách thửa đất nông nghiệp, quảng cáo dự án không có thật như trên, chính quyền huyện và xã phải giám sát chặt chẽ, không để biến tướng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép”, ông Hà nói đồng thời cho biết “đã trao đổi với huyện kiểm tra, xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì huyện căn cứ thẩm quyền giao cho công an, nếu vượt thì chuyển lên Công an tỉnh để kiểm tra, xử lý”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông nói thêm.
Trước đó, PV Tiền Phong có bài phản ánh “Tái diễn dự án bánh vẽ ở Tây Nguyên”, phản ánh hai dự án “ảo” mang tên “Làng quân sư” (huyện Đắk Song, Đắk Nông) và Bamboo Villas (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk). Chính quyền địa phương vào cuộc xác minh, khẳng định đều là đất sở hữu cá nhân, không hề có dự án nào được cấp phép.
Theo ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông, người dân muốn tìm các dự án có thể liên hệ qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem đã có quy hoạch chưa (quy hoạch chung và phân khu chi tiết), chủ trương đầu tư, kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Còn theo ông Hưng, Giám đốc một công ty bất động sản ở Đắk Lắk, khi muốn đầu tư vào các dự án bất động sản, người dân cần tìm hiểu xem thực tế có dự án đó hay không bằng cách kiểm tra chủ trương đầu tư. Đồng thời, kiểm tra quy hoạch 1/500 (Sở Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá tác động môi trường (Sở TN&MT), xác nhận đủ điều kiện mở bán, hợp đồng mua bán phải được Sở KH&ĐT phê duyệt, Giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế…