Hà Nội thêm 10 'điểm đen' ùn tắc giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội (Tiền phong vừa có loạt bài phản ánh). Ngoài nêu thực trạng ùn tắc hiện nay trong đó có 35 điểm ùn tắc thường xuyên, Sở GTVT cũng báo cáo năm 2022 địa bàn thành phố có thêm 10 điểm ùn tắc.

Hàng rào công trường gây thêm điểm đen ùn tắc

Năm 2022, số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng từ 35 lên 45 điểm. Cụ thể, trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội do Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường ký, cho biết: Số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm phát sinh trong năm 2022 là 10 điểm.

Các điểm ùn tắc này bao gồm: Đường Nguyễn Xiển đoạn đi qua công trường dự án xử lý nước thải Yên Xá, kéo dài từ nút giao với đường Nguyễn Trãi đến nút giao với đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); Khu vực Ngã ba Kim Đồng – Giải Phóng; Khu vực Cầu Kim Đồng trên đường Kim Đồng; Ngã tư Hồ Tùng Mậu – Mai Dịch; Khu vực ngã tư Trần Phú – Phùng Hưng (Hà Đông); Khu vực ngã tư Phùng Hưng – Tô Hiệu (Hà Đông); Ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Khu vực cống Trung Văn; Nút giao Lê Quang Đạo - đường gom Đại lộ Thăng Long. Thực tế hiện nay, giao thông tại các khu vực, nút giao này rất khó khăn do ùn tắc thường xuyên kéo dài trong giờ cao điểm.

Hà Nội thêm 10 'điểm đen' ùn tắc giao thông ảnh 1

Công trường dự án thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá thành điểm đen ùn tắc giao thông mới trên đường phố Hà Nội.

Đánh giá về tình trạng ùn tắc hiện nay, lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Các điểm ùn tắc đã được lên danh sách tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ Vành đai 3 trở vào. Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, Nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, Ngã ba Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh, Hầm chui Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến, cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1, Bạch Mai – Trương Định, Phạm Ngọc Thạch – Lương Đình Của, cầu Lạc Trung – Kim Ngưu – Thanh Nhàn.

Nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay, trong đó có các điểm ùn tắc thường xuyên bao gồm: Thứ nhất: Quá tải hệ thống hạ tầng giao thông; số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.

Thứ hai: Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Thứ ba: Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Thứ tư: Nhiều các công trình được thực hiện trên địa bàn Thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Thứ năm: Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Đại phẫu” giao thông Hà Nội

Đưa ra các giải pháp cho thực trạng ùn tắc tại Hà Nội hiện nay, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản (trước mắt), lâu dài. Cụ thể, với giải pháp lâu dài: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Hà Nội thêm 10 'điểm đen' ùn tắc giao thông ảnh 2

Lượng xe cá nhân và xe kinh doanh quá nhiều trên đường đang khiến giao thông Hà Nội đi lại khó khăn, gia tăng điểm ùn tắc.

Tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.

Với giải pháp trước mắt: Để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông đối với 35 điểm ùn tắc, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Trong các ngày từ 24 đến 28/12, Báo Tiền Phong đã khởi đăng loạt bài “Chống ùn tắc giao thông Hà Nội - Mãi Loay hoay”. Loạt bài 4 kỳ nêu các giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội hiện đang được HĐND thành phố thông qua cho từng kế hoạch lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc chống ùn tắc Hà Nội có nhiều vị trí cứ “thông” chỗ này lại “tắc” chỗ kia. Cùng với đó, các giải pháp kiểm soát, quản lý xe cá nhân không có hiệu quả khi lưu lượng xe trên các tuyến đường được thống kê đang quá tải từ 1 đến 2 lần năng lực thiết kế mặt đường. Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng ùn tắc giao thông cần một cuộc “đại phẫu” để giảm ùn tắc, bức xúc với người dân.

Các kỳ đã đăng loạt bài “Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Mãi loay hoay”:

“Thông” chỗ này “tắc” chỗ kia – Bài 1

Tăng 'thả phanh' phương tiện cá nhân - Bài 2

Cần giảm mật độ xe giờ cao điểm - Bài 3

Vành đai 4 - 'Lá chắn' nội đô - Bài 4

MỚI - NÓNG