Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Vành đai 4 - 'Lá chắn' nội đô

TP - Sớm hoàn thiện các tuyến đường vành đai trong đó có Vành đai 4 - tuyến đường được xem “lá chắn” giảm xe đi vào khu vực nội đô, là một trong những giải pháp cốt lõi, lâu dài mà Hà Nội hướng đến để giải bài toán ùn tắc giao thông của Thủ đô.

Xử lý đồng bộ từng điểm ùn tắc

Đối với kế hoạch cấp bách, sau khi nhận nhiệm vụ, tân giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường (ông Thường tiếp nhận vị trí Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ngày 3/11/2022) cho biết, ông đã cùng với các đơn vị chuyên môn đi kiểm tra tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố, trong đó có 37 điểm ùn tắc đang tồn tại hiện nay. Việc xử lý các điểm ùn tắc này, Sở GTVT Hà Nội xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Vành đai 4 - 'Lá chắn' nội đô ảnh 1

Có cầu vượt và đường trên cao nhưng do lưu lượng quá đông, nút giao Ngã Tư Sở thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm

Sau kiểm tra, ông Thường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan có giải pháp xử lý đồng bộ với từng điểm ùn tắc. Cụ thể, các phòng, ban gồm: Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông lên phương án cải tạo, điều chỉnh hạ tầng hợp lý theo hướng giảm xung đột tại các ngã ba, ngã tư. Thanh tra giao thông sẽ thường xuyên cử lực lượng điều tiết, phân luồng ở các ngã ba, ngã tư có mật độ phương tiện qua lại lớn vào giờ cao điểm; phối hợp với CSGT có phương án tổ chức giao thông tại chỗ, từ xa khoa học, phù hợp, đảm bảo giảm lưu lượng phương tiện qua từng nút giao thông, tránh sự dồn toa, nút thắt cổ chai...

Với tình trạng lô cốt thi công gây ùn tắc trên một số tuyến đường, trong đó có đường Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Khánh, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi kiểm tra hiện trường, Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND thành phố tình hình thi công của hàng rào công trường đang chiếm diện tích mặt đường. Với hàng rào công trường phục vụ thi công dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển, Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố cho điều chỉnh phương án phân luồng đảm bảo ATGT theo hướng cải tạo hạ tầng tại vị trí hàng rào, tiếp đó tiến hành phân luồng từ xa với những nội dung cụ thể, chi tiết.

Cần những giải pháp mạnh tay

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Hà Nội cần phối hợp triển khai mạnh việc di dời các trường đại học, bệnh viện trung ương, trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô theo quy hoạch; kiểm soát cấp phép nhà cao tầng. Nếu không triển khai nhanh những giải pháp này, những giải pháp khác về phân luồng giao thông, làm cầu vượt...hiệu quả rất thấp. Lý do toàn bộ khu vực nội đô hiện đã quá tải nghiêm trọng, lượng phương tiện đi lại trên đường quá lớn.

sớm làm đường Vành đai

Trong đề xuất trên, Sở GTVT cũng đề nghị UBND quận Hoàng Mai, Thanh Xuân giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vỉa hè dọc tuyến đường Nguyễn Xiển để đảm bảo ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Đối với tình trạng lô cốt thi công trên đường Vũ Trọng Khánh, Sở GTVT cũng yêu cầu đơn vị thực hiện dự án thi công từng vị trí theo hình thức “cuốn chiếu”, không lập hàng rào trên diện rộng, phối hợp với cơ quan chức năng là Thanh tra, CSGT có phương án tổ chức giao thông ở hai đầu đường theo hướng giảm lưu lượng xe đi vào đường Vũ Trọng Khánh trong giờ cao điểm.

Với kế hoạch lâu dài, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, các giải pháp giảm ùn tắc sẽ được triển khai đồng bộ. Trong đó có việc thực hiện loạt giải pháp thành phố đưa ra như giảm mật độ phương tiện cá nhân, điều tiết dân cư, nhà cao tầng tập trung đông người trong khu vực nội đô. Sở GTVT sẽ cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch thành phố đã có chủ trương, trong đó có thực hiện các giải pháp của đề án quản lý phương tiện giao thông để giảm xe cá nhân trong nội thành; phối hợp thúc đẩy sớm hoàn thiện, khép kín các tuyến đường Vành đai để giảm mật độ xe đi vào nội đô; phát triển vận tải công cộng để tăng tỷ lệ phục vụ người dân, từng bước giảm xe cá nhân…

Để sớm hoàn thiện các tuyến đường vành đai trong đó có Vành đai 4, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Sở GTVT, các sở ngành liên quan đã đi kiểm tra hiện trường, làm việc với các quận, huyện dự án đi qua để thúc đẩy tiến độ dự án. Cùng với đó, để hoàn thiện tuyến đường và mang lại hiệu quả kết nối, giảm ùn tắc cao, đoàn khảo sát của lãnh đạo thành phố cũng đã làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh để cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án.

Với các dự án Vành đai đang thi công chưa hoàn thành, thông tin về kế hoạch trong thời gian tới, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã có báo cáo thành phố ưu tiên nguồn lực để trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, trong đó có các tuyến Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, Vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng; Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng...

Cùng với đó xây dựng các tuyến trục hướng tâm, cầu vượt theo quy hoạch và các nút giao thông, phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông trong khu vực đô thị từ 10% như hiện nay lên khoảng 12-15% diện tích đất đô thị.

Đề án hạn chế xe cá nhân quá chậm

Với mục tiêu hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc, năm 2017 HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” (Đề án quản lý xe cá nhân).

Tuy nhiên theo Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đến nay giai đoạn 2017 - 2020 qua được gần 2 năm nhưng mới chỉ khoảng 10% trong số 34 nhóm giải pháp thực hiện xong. Còn lại đang thực hiện dở dang hoặc chưa thực hiện xong.

Nhóm PV Thời sự

MỚI - NÓNG