Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Mãi loay hoay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong mấy năm qua, thành phố Hà Nội chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để chống ùn tắc giao thông nhưng ùn tắc không thuyên giảm mà có phần gia tăng. Hà Nội đang thực sự loay hoay xử lý thực trạng này.

Đi trên các tuyến đường Hà Nội giờ cao điểm thời gian này, không bị ùn tắc giao thông là chuyện “xa xỉ”. Lượng xe cá nhân, xe khách, xe tải dày đặc bất kỳ thời điểm nào, công trường thi công ngổn ngang… khiến nhiều tuyến đường như bãi xe khổng lồ.

Một trong những “điểm đen” ùn tắc giao thông gần đây là tuyến đường Nguyễn Xiển (Vành đai 3) chiều Thanh Xuân - Linh Đàm. Chỉ dài khoảng 1 km nhưng người tham gia giao thông mất cả giờ đồng hồ, nhất là vào giờ cao điểm. Do ùn tắc kiểu không có lối thoát nên sức nóng câu chuyện đi lại trên đường Nguyễn Xiển khiến cả thành phố vào cuộc.

Liên tục trong mấy tuần qua, đường Nguyễn Xiển “đón” hết đại diện Sở GTVT đến Phòng CSGT Hà Nội, thậm chí là Cục CSGT, Bộ Công an xuống kiểm tra, ghi nhận thực tế.

Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Mãi loay hoay ảnh 1

Công trường trên đường Nguyễn Xiển biến đoạn đường này thành điểm đen ùn tắc mới trong năm 2022. Ảnh: Anh Trọng

Tính đến 22/11, là 3 tuần đường Nguyễn Xiển chiều Thanh Xuân - Linh Đàm rộng 4 làn xe bị chủ dự án xử lý nước thải Yên Xá chiếm dụng 3 làn (2/3 mặt đường) làm công trường thi công hố ga thu nước, hệ thống hàng rào nằm chình ình nguyên vị trí ban đầu.

Các cơ quan có trách nhiệm là quận Hoàng Mai, Thanh Trì được đề nghị giải tỏa lấn chiếm và xén vỉa hè để mở rộng thêm đường dành cho giao thông, nhưng ngay phần vỉa hè Nguyễn Xiển đoạn qua công trường cũng bị lấn chiếm 100% diện tích để bán cây cảnh. Chủ đầu tư chưa thực hiện các phương án phân luồng, chưa thu hẹp hàng rào theo yêu cầu, nhưng vẫn được thi công như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Giai đoạn 2016 đến 2020, thành phố Hà Nội chi hơn 2.100 tỷ đồng cho công tác cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông. Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội cũng chi hơn 1.800 tỷ đồng cho nội dung này. Mục tiêu cụ thể là, mỗi năm trên địa bàn thành phố phải giảm từ 5 đến 10 điểm đen ùn tắc; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5- 10% trên cả ba tiêu chí.

Để xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng đường vành đai 3, trách nhiệm chính ở đây thuộc về Sở GTVT Hà Nội, đơn vị cấp phép rào đường cho chủ đầu tư khi chưa có phương án tổ chức, đảm bảo giao thông. Lý do gì mà Sở GTVT Hà Nội lại “xé rào” và cấp phép “thần tốc” cho một công trình như vậy (!?).

Khi hàng rào dựng lên, để xảy ra ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội cũng không thể hiện được vai trò của mình là kiểm tra, chấn chỉnh, thậm chí dừng thi công, thu hồi giấy phép khi phát hiện ra chủ đầu tư chưa thực hiện phương án tổ chức, đảm bảo giao thông, chưa phối hợp xén vỉa hè mở rộng lòng đường...

Nhiều điểm ùn tắc mới

Với các tuyến phố từ Vành đai 3 trở vào, ùn tắc giao thông cũng đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân phải ra đường vào buổi sáng, chiều.

Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Mãi loay hoay ảnh 2

Ùn tắc như nêm tại nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi trong những ngày qua. Ảnh: Anh Trọng

Từ mấy năm trước, tại các nút giao như Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Kim Liên, Đại Cồ Việt - phố Huế… đã được đầu tư xây dựng cầu vượt.

Tuy nhiên, tình hình giao thông chỉ thông thoáng được một thời gian, 2 năm trở lại đây, do không có các giải pháp cải tạo hạ tầng hỗ trợ, giao thông tại tại các nút giao này đang ùn tắc trở lại vào giờ cao điểm. Thậm chí cầu vượt Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh còn trở thành điểm đen ùn tắc mới.

Có mặt cắt ngang vào diện rộng nhất Hà Nội nên những năm trước đây, nhiều trục đường như Giải Phóng - Lê Duẩn, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Trần Huy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Văn Cừ, Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư… chỉ ùn tắc vào những ngày lễ, Tết hoặc khi trời mưa.

Còn hiện nay, đi trên những tuyến đường này vào nhiều thời điểm trong ngày thường, cũng xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Muốn không bị ách tắc khi đi qua những trục đường này mỗi ngày, người dân phải ra đường trước thời điểm 6h30. Sau thời điểm này, họ phải mất hàng giờ mới thoát qua điểm ùn tắc.

Chi hàng nghìn tỷ đồng vẫn tắc

Giai đoạn 2016 đến 2020, thành phố Hà Nội chi hơn 2.100 tỷ đồng cho công tác cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội cũng chi hơn 1.800 tỷ đồng cho nội dung này. Mục tiêu cụ thể là, mỗi năm trên địa bàn thành phố phải giảm từ 5 đến 10 điểm đen ùn tắc; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5-10% trên cả ba tiêu chí.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội (PC08) cho biết, nguyên nhân ùn ứ tại nút Thanh Xuân và một số tuyến đường, nút giao thông khác trên địa bàn đội phụ trách là do lưu lượng phương tiện quá đông, nhiều loại xe cùng ra đường vào giờ cao điểm, trên một số khu vực lại có hàng rào thi công thu hẹp lòng đường, dẫn đến ùn ứ phương tiện.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, sau 1 năm thực hiện chương trình chống ùn tắc, theo báo cáo của cơ quan chức năng số điểm ùn tắc giao thông trên toàn thành phố từ 34 điểm vào năm 2020 đến 2021 đã tăng thêm thành 37 điểm ùn tắc.

Lý giải số điểm ùn tắc tăng thêm này, đại diện Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, thực tế trong năm 2021, liên ngành Sở GTVT - Công an đã xử lý được 10 điểm ùn tắc, nhưng cũng trong năm 2021 số điểm ùn tắc mới phát sinh lại tăng thêm trên 10 điểm ùn tắc!

Trong các tháng đầu năm 2022, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện tổ chức lại giao thông trên hàng chục tuyến phố, nút giao, trong đó có các nút giao Ngã Tư Sở; Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thị Thập; Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh…

Mặc dù vậy, đánh giá hiệu quả giao thông tại các nút giao này, các đội CSGT địa bàn cho biết, tuy thông thoáng tại nút giao được tổ chức nhưng lại gây ùn tắc cho các tuyến đường lân cận. Cụ thể, tại nút giao Ngã Tư Sở, lãnh đạo Đội CSGT số 3, cho biết: việc tổ chức lại giao thông đã khiến lượng phương tiện đổ dồn, tăng áp lực cho đường Nguyễn Trãi, đường Láng… dẫn đến các tuyến đường này cũng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.