Chống ùn tắc giao thông Hà Nội - Mãi Loay hoay (bài 2):

Tăng 'thả phanh' phương tiện cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Hà Nội hiện nay, chưa có bất cứ quy định nào hạn chế việc lưu thông trên đường phương tiện cá nhân - tác nhân chính gây ùn tắc giao thông. Trong khi đó, hệ thống đường vành đai của Thủ đô vốn được xem là “lá chắn” để kéo giảm lượng xe đi vào nội đô thì thi công mãi chưa xong.

Chỉ 4 năm lượng ô tô tăng gấp đôi

Một trong những giải pháp hiệu quả chống ùn tắc giao thông là kiểm soát sự gia tăng của phương tiện cá nhân trên đường. Vấn đề này từng được lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở, ngành chuyên môn nêu ra cách đây hơn 20 năm. Đến nay lộ trình dừng hoạt động xe máy vào năm 2030 như đề xuất vẫn bỏ ngỏ các biện pháp thực hiện.

Với phương tiện ô tô, đại diện Sở GTVT và Phòng CSGT Hà Nội đều cho biết, thành phố đang giao các cơ quan chuyên môn thực hiện việc lập đề án thu phí vào nội đô để hạn chế ô tô cá nhân đi vào khu vực nội thành từ Vành đai 3 trở vào. Dự kiến từ 2025 sẽ thu phí ô tô cá nhân vào nội đô.

Tăng 'thả phanh' phương tiện cá nhân ảnh 1

Từng được xóa điểm đen ùn tắc nhờ có cầu vượt nhưng do không có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, nút giao Trần Duy Hưng - Láng đang ùn tắc trở lại

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với thực trạng đường sá như hiện nay, việc chỉ sử dụng xe buýt là phương tiện công cộng chính để đi lại trong nội đô có thể là nỗi ám ảnh với người dân về sự muộn giờ, chậm giờ. Do đó, mục tiêu thu phí ô tô cá nhân vào nội đô từ năm 2025 trở đi sẽ khó khả thi.

Thực tế, lượng xe máy và ô tô cá nhân hiện nay tại Thủ đô đang tăng chóng mặt. Cụ thể, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, năm 2017 toàn thành phố Hà Nội chỉ có 6 triệu phương tiện, trong đó ô tô chiếm hơn 540 nghìn xe; xe máy chiếm hơn 5,4 triệu xe… Tuy nhiên đến hết năm 2021 (tức sau 4 năm), lượng phương tiện tại Hà Nội đã tăng lên 7,6 triệu xe; trong đó ô tô có khoảng 1,1 triệu xe, xe máy khoảng 6,4 triệu phương tiện; xe máy điện khoảng 178 nghìn phương tiện. Như vậy chỉ riêng với ô tô, sau 4 năm, số lượng đã tăng gấp đôi.

6 tháng đầu năm 2022, Phòng CSGT Hà Nội đã cấp đăng ký mới cho khoảng 145 ngàn phương tiện, trong đó hơn 41 ngàn ôtô, trên 101 ngàn môtô và hơn 3 ngàn xe máy điện. Trung bình mỗi tháng Hà Nội có thêm gần 7 ngàn ô tô và gần 17 ngàn xe máy.

Hạ tầng giao thông không được cải thiện

Lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông Hà Nội gần như không được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải đạt là từ 20 đến 25% quỹ đất đô thị. Thực tế nếu năm 2015, tỷ lệ này của Hà Nội đạt 8.65%, thì đến nay sau 7 năm tiếp theo con số này mới đạt khoảng 10%. Trung bình trong các năm vừa qua, Hà Nội chỉ tăng quỹ đất cho giao thông ở con số không đáng kể là 0,3%.

Giai đoạn 2010 - 2015, Sở GTVT Hà Nội đưa vào sử dụng hàng loạt cầu vượt thép Tây Sơn, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Lê Văn Lương… và một số đoạn đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3… giúp xóa nhiều điểm đen ùn tắc giao thông. Giai đoạn từ 2016 đến nay, số tiền ngân sách thành phố đầu tư cho hạ tầng và tổ chức giao thông không thay đổi nhiều nhưng số lượng cầu vượt, dự án đường được đưa vào khai thác mới chỉ đếm trong đầu ngón tay, thậm chí có năm không có.

Đối với hệ thống 5 tuyến Vành đai đô thị được xem là lá chắn để giảm lưu lượng xe vào nội đô, nhưng nhiều năm thi công vẫn dở dang, chưa có tuyến nào hoàn thành theo đúng nghĩa. Riêng tuyến Vành đai 2 có tiến độ khép kín vào năm 2023 sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thi công xong; 4 tuyến còn lại vẫn đang thi công và hoàn thành kiểu xôi đỗ. Trong đó, Vành đai 1 vẫn còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; Vành đai 2,5 còn 3 đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) đến Đầm Hồng (Hoàng Mai); Vành đai 3 còn đoạn nút giao từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến khu công nghiệp Quang Minh; Vành đai 3,5 còn đoạn từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Vành đai 4 chưa khởi công…

So sánh tỷ lệ gia tăng của phương tiện cá nhân với sự phát triển của hạ tầng giao thông (đường, cầu) tại Hà Nội cho thấy, đang có một nghịch lý lớn trong quản lý và điều hành giao thông của Thủ đô. Đây là nguyên nhân mất cân đối giữa lưu lượng xe trên đường và hạ tầng đường sá Hà Nội, dẫn đến ùn tắc trên các tuyến phố kiểu không có lối thoát hiện nay.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.