Bí thư Hà Nội: Tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Sáng 23/11, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, đổi mới, tạo đột phá trên một số lĩnh vực, thành phố dự kiến đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 774,1 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Dũng cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề còn hạn chế. Công tác quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả...

Bí thư Hà Nội: Tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông ảnh 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Bí thư Hà Nội khẳng định, năm 2023 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Do đó, thành phố cần rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để các đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó.

Cùng với đó, phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Thành ủy lưu ý, các cấp, các ngành phải tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Một nhiệm vụ nữa là tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng theo quy hoạch; ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất công; triển khai xây dựng, hoàn thành một số nhà máy sử dụng nước mặt; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác thải theo quy hoạch, các dự án cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên...

Bí thư Hà Nội nêu, với Kế hoạch đầu tư công năm 2023, phải rà soát bảo đảm bố trí vốn theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và thứ tự ưu tiên đầu tư; trong đó, cần tập trung bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp; bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường, đường sắt đô thị…), các dự án có khả năng hấp thụ vốn và giải ngân tốt, không bố trí vốn cho các dự án mới khi chưa bảo đảm đủ thủ tục đầu tư để khởi công theo quy định.

Đối với Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, ông Dũng lưu ý rà soát kỹ, thống kê đầy đủ số lượng, hiện trạng các nhóm tài sản công thuộc phạm vi của đề án, nhất là đối với nhóm tài sản: Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cho các tổ chức, đơn vị kinh doanh nhà quản lý, khai thác; quỹ đất 20-25% tại các dự án phát triển nhà ở phải bàn giao lại cho thành phố; quỹ đất, nhà tái định cư...; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm quyết liệt khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong công tác quản lý, sử dụng trước đây, tiến tới khai thác hiệu quả từng tài sản để tập trung triển khai thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo, từng bước thu hồi và phát huy các nguồn lực đem lại từ việc khai thác tài sản công cho sự phát triển của thành phố.

MỚI - NÓNG