Cựu Tổng thống Sri Lanka bị kiện ở Singapore

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một nhóm nhân quyền đã tập hợp tài liệu về các vụ lạm dụng ở Sri Lanka và nộp lên Bộ Tư pháp Singapore nhằm yêu cầu bắt và xét xử cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vì vai trò của ông trong cuộc nội chiến kéo dài mấy thập kỷ.
Cựu Tổng thống Sri Lanka bị kiện ở Singapore ảnh 1

Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. (Ảnh: Reuters)

Dự án Sự thật và Công lý quốc tế (ITJP) cho rằng ông Rajapaksa có những hành vi vi phạm nghiêm trọng các công ước Geneva trong cuộc nội chiến, khi ông là bộ trưởng quốc phòng vào năm 2009, Reuters dựa trên nội dung hồ sơ cho biết.

Tổ chức ITJP, trụ sở tại Nam Phi, cho rằng, dựa trên nguyên tắc về quyền tài phán chung, các cáo buộc lạm dụng có thể bị truy tố ở Singapore, nơi ông Rajapaksa đang cư trú sau khi rời khỏi Sri Lanka giữa cơn khủng hoảng.

Ông Rajapaksa rời khỏi Sri Lanka chạy hôm 13/7, trước khi những người biểu tình chống chính phủ xông vào dinh thự tổng thống và thủ tướng. Ông gửi thư từ chức từ Singapore.

“Đơn khiếu nại hình sự được nộp dựa trên thông tin có thể xác minh về các tội phạm phải, cũng như trên bằng chứng liên quan đến người được đề cập, hiện đang ở Singapore”, Alexandra Lily Kather, một trong các luật sư nộp đơn, nói với Reuters từ Berlin.

Ông Rajapaksa chưa bình luận gì về thông tin này. Trước đây, ông luôn bác bỏ những cáo buộc lạm dụng nhân quyền trong thời kỳ nội chiến.

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Rajapaksa đến đảo quốc này với tư cách cá nhân và không xin tị nạn.

Shubhankar Dam, một giáo sư của Trường Luật thuộc ĐH Portsmouth (Anh) và đang giảng dạy tại Singapore, cho biết, dù toà án có thể thụ lý các vụ phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và tra tấn, nhưng quyền này chỉ được sử dụng như một cách cuối cùng.

“Dù trung lập không được khẳng định chính thức trong chính sách đối ngoại của Singapore, nhưng nước này từ lâu đã áp dụng cách làm trung lập”, GS Dam nói.

Vì thế, ông cho rằng bất kỳ quyết định nào về việc truy tố cựu nguyên thủ nước ngoài sẽ phải được cân bằng với mục tiêu đối ngoại của Singapore.

Năm 2009, Sri Lanka chấm dứt 25 nội chiến giữa lực lượng nổi dậy của cộng đồng thiểu số Tamil với quân chính phủ. Các nhóm nhân quyền cáo buộc cả hai bên đều có hành vi lạm dụng trong thời chiến.

ITJP từng hỗ trợ hai vụ kiện dân sự chống lại ông Rajapaksa, trong đó có một vụ ở California năm 2019, khi ông đang là công dân Mỹ.

Cả hai vụ kiện đều bị huỷ sau khi ông Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nhờ trở thành tổng thống 1 năm sau đó.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG