Lịch sử thành môn bắt buộc ở bậc THPT: Bộ GD&ĐT cấp tốc sửa chương trình

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Bộ xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh thay vì là môn tự chọn như đã được ban hành trước đó. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị chuyên môn thành lập Ban biên soạn, tổ biên tập và tổ chức thẩm định phần nội dung Lịch sử bắt buộc.

Lịch sử thành môn bắt buộc ở bậc THPT: Bộ GD&ĐT cấp tốc sửa chương trình ảnh 1

Cùng đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8.

Ngoài ra, thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8.

Như vậy, thời gian biên soạn, thẩm định lại chương trình môn Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc chỉ một tháng.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng sự phù hợp với điều kiện địa phương.

Việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán các hợp đồng liên quan hoàn thành trước ngày 12/7.

Như vậy, Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp THPT chương trình giáo dục phổ thông mới, giờ đây trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn.

Thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh, ngày 27/6, Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế lại môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 gồm cả hai phần tự chọn và bắt buộc.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo giáo dục truyền thống…

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).

Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.

Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.

Có thể nói, môn Lịch sử là môn học có số phận kỳ lạ nhất trong chương trình giáo dục 2018. Vì đối với bậc THCS, ban đầu, Bộ GD&ĐT dự kiến đưa môn Lịch sử và Địa lý trở thành môn tích hợp Khoa học Xã hội. Nhưng ngay sau đó vấp phải sự phản đối của các chuyên gia và các nhà Sử học nên phải tách thành môn Lịch sử và Địa lý.

Đến bậc THPT, năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua với tên gọi Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn. Nhưng 4 năm sau, khi bắt đầu thay sách giáo khoa cho lớp 10, trên diễn đàn Quốc hội lại dậy sóng yêu cầu môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở bậc THPT. Ngay sau đó, Nghị quyết 63 của Quốc hội được ban hành, môn Lịch sử chính thức trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 10, 11, 12.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.