Hoang mang chờ hướng dẫn dạy môn Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV yêu cầu thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý. Hiệu trưởng các trường THPT nói rằng, năm học mới đã cận kề, nhà trường khá lo lắng, hoang mang khi chưa biết sẽ triển khai thế nào.
Hoang mang chờ hướng dẫn dạy môn Lịch sử ảnh 1
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10

Nhiều hiệu trưởng nói rằng, thời điểm này phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT vì trước đó họ đã xây dựng các tổ hợp khác nhau, trong đó có tổ hợp có môn Lịch sử, có tổ hợp không có môn học này.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết, nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học để tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, gần đây khi nghe ngóng các ý kiến tranh cãi liên quan môn Lịch sử, trường lại phải thiết kế thêm 1 phương án mới, trong đó tất cả các tổ hợp có môn Lịch sử để tránh bị động vì năm học mới đã cận kề. Một số phụ huynh có con được tuyển thẳng lên bậc THPT đã quan tâm, hỏi đến chương trình mới nhưng nhà trường thực sự lúng túng, chưa biết giải thích thế nào cho thấu đáo.

Ở góc độ nhà giáo, ông Bình vẫn cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã thiết kế 2 giai đoạn giáo dục (giáo dục cơ bản từ lớp 1-9 và giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT) là phù hợp. Ở giai đoạn này, ngoài các môn bắt buộc, các môn học khác, học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra, nếu có bất kỳ thay đổi nào đối với giáo dục, cần phải được tính toán và có lộ trình, tránh cách làm đột ngột.

Ở các trường học, xây dựng tổ hợp không khó khăn nhưng việc này sẽ liên quan đội ngũ giáo viên, đưa nội dung nào vào thành phần tự chọn, nội dung nào bắt buộc sẽ cần thời gian để xây dựng, tính toán, nếu không sẽ không chuẩn bị được chu đáo dẫn đến triển khai túng lúng, thiếu từ giáo viên đến cơ sở vật chất. “Do đó, chương trình phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có tầm chiến lược, thống nhất, đồng bộ, tránh chuyện vụn vặt, thay đổi đột ngột”, ông Bình nói.

Chương trình GDPT mới chỉ còn 2 tháng nữa sẽ được áp dụng đối với các trường THPT, thời điểm này vẫn có thay đổi sẽ khiến những người thực hiện hoang mang, chưa yên tâm, ông nói. Phía nhà trường sẽ rơi vào thế bị động, lúng túng trong cách thức triển khai.

Còn nhiều băn khoăn

Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sau khi kết thúc năm học 2021-2022 đã chủ động xây dựng 2 phương án để học sinh, phụ huynh lựa chọn. Trong đó có mô hình lớp theo 2 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn theo lĩnh vực KHTN, KHXH. Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, mỗi học sinh có 6 lựa chọn. Ví dụ, học sinh chọn 1 trong các phương án: Lý, Hoá, Sinh, Tin, Sử hoặc Lý, Hoá, Sinh, Tin, Địa hoặc Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật hoặc Sử, Địa, Lý, Giáo dục kinh tế - Pháp luật.

Theo Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Hiền, sau khi xây dựng phương án, nhà trường đã chủ động gửi các trường THCS trong khu vực tuyển sinh để học sinh, phụ huynh tìm hiểu từ rất sớm. Nhà trường đang chờ hướng dẫn của các cấp để có kế hoạch xây dựng các tổ hợp môn học.

Phía Bộ GD&ĐT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ nghiên cứu, xem xét, tiếp thu ý kiến của cử tri đối với môn Lịch sử và trong nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập vấn đề trên. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn để các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022-2023.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), cho biết, dù chưa có hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhưng nhà trường đã chủ động lên các phương án thay đổi lại so với dự kiến. Trong đó, nếu Lịch sử bậc THPT được xác định gồm cả phần kiến thức bắt buộc, thì với 11 lớp 10, số tiết môn Lịch sử sẽ tăng lên. Khi đó, nhà trường phải tính đến chuyện tuyển thêm giáo viên môn ở môn học này. “Nếu tuyển vội vàng cũng lo sẽ không có được giáo viên chất lượng khi các trường ngoài công lập thường sẽ bắt đầu năm học sớm từ khoảng đầu tháng 8. Chưa kể, việc thay đổi như hiện nay liệu có sử dụng được sách giáo khoa đã viết theo chương trình ban đầu hay không”, ông Tùng đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG