Hệ thống S-400. Ảnh: Reuters |
Theo nguồn tin giấu tên của Reuters, các quan chức Washington đã gợi ý việc này với Ankara, nhưng chưa đưa ra đề xuất chính thức. Ý tưởng cũng được nhắc lại trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 3, nguồn tin cho biết, nhưng những thông tin này chưa được Nhà Trắng xác nhận.
Chính quyền Tổng thống Ukraine được cho là đã yêu cầu các đồng minh đang sử dụng thiết bị và hệ thống do Nga sản xuất, bao gồm S-300 và S-400, cân nhắc chuyển giao chúng cho Ukraine để hỗ trợ nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Ankara hiện chưa bình luận về bất kỳ đề xuất nào của Mỹ. Nhưng theo các chuyên gia, ý tưởng này có khả năng cao sẽ bị bác bỏ vì các trở ngại liên quan đến việc lắp đặt - vận hành S-400 ở Ukraine, cũng như lo ngại của Ankara về khả năng hứng chỉ trích từ Mátxcơva.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên Biển Đen với Ukraine và Nga, đồng thời có quan hệ tốt với Kiev và Mátxcơva. Ankara từng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine, nhưng cũng phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và đề nghị các bên hoà giải. Mặt khác, Ankara vẫn duy trì bán máy bay quân sự không người lái cho Kiev và ký thoả thuận hợp tác sản xuất, khiến Điện Kremlin tức giận.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với một tình huống khó khăn. Và việc chuyển giao S-400 của Nga cho Ukraine chắc chắn sẽ khiến Mátxcơva phật ý. Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, S-400 đã trở thành biểu tượng của chủ quyền nước này. Vì vậy việc đánh đổi S-400 sẽ không dễ dàng”, Aaron Stein, chuyên gia đối ngoại ở Philadelphia (Mỹ) cho biết.
Mỹ từng nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO loại bỏ các tổ hợp tên lửa đất-đối-không S-400 do Nga chế tạo, sau khi Mátxcơva bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho Ankara vào tháng 7/2019.
Thoả thuận mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ khiến quan hệ giữa nước này với Mỹ trở nên căng thẳng suốt một thời gian dài. Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, và loại nước này ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 5/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman nói với đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk rằng: “Tôi nghĩ mọi người đều biết S-400 là một vấn đề nhức nhối kéo dài, và có lẽ đây là thời điểm chúng ta tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề này.”
Theo Reuters, việc đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ gửi S-400 đến Ukraine dường như là nỗ lực của các quan chức Mỹ trong việc lôi kéo Ankara trở lại với “quỹ đạo” của Washington.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm đáp lại lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhà Trắng trước đó cho biết Washington đang “giúp Ukraine có được các hệ thống phòng không bổ sung, tầm xa hơn”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ở thời điểm đó, tờ Business Insider nhận định có khả năng chính quyền Mỹ đang đề cập đến hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300, một hệ thống phòng thủ từ thời Liên Xô hiện vẫn đang được một số nước NATO như Slovakia, Hy Lạp, Bulgaria sử dụng.