Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg |
Phía Mỹ cho biết ông Biden đã cảnh báo ông Putin rằng Washington và các đồng minh sẽ “đáp trả một cách dứt khoát, buộc Mátxcơva phải trả giá đắt” nếu tấn công Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng việc động binh sẽ “làm giảm vị thế của Nga” trên trường quốc tế.
Ông Biden - sau nhiều lần loại trừ khả năng đưa quân đội Mỹ tới Ukraine - nói rằng nếu ngoại giao thất bại, Mỹ “cũng chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống khác”.
Phát biểu ngay sau khi cuộc điện đàm kết thúc tối thứ Bảy, Trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin - Yuri Ushakov cho biết: “Cuộc trò chuyện diễn ra trong bối cảnh cuồng loạn chưa từng có khi Nga liên tục bị cáo buộc sắp “xâm lược” Ukraine.”
Ông Putin đã chỉ trích nỗ lực của phương Tây nhằm quân sự hoá và bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine. Việc này, theo ông Putin, chẳng khác nào khuyến khích Kiev giải quyết xung đột ở miền Đông nước này bằng vũ lực.
Tổng thống Nga cũng tỏ ra lo ngại về chính sách “thiếu tính xây dựng” mà chính quyền Ukraine theo đuổi nhằm “phá vỡ” Thoả thuận Minsk - một thoả thuận đa quốc gia lớn năm 2015 vạch ra lộ trình giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nơi quân đội Kiev đang đối đầu với các nước cộng hoà ly khai Donetsk và Luhansk. Ông Putin nhấn mạnh rằng các nước phương Tây không gây đủ áp lực để buộc Kiev phải tuân thủ thoả thuận.
“Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên đây không phải là trọng tâm của cuộc trò chuyện”, trợ lý Ushakov nói, đồng thời cho biết cuộc điện đàm “nhìn chung mang tính xây dựng và thẳng thắn”. Ông Ushakov tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục thảo luận trong tương lai.
Cuộc điện đàm mới nhất được thực hiện theo yêu cầu của Nhà Trắng, và là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuối tháng 12. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc điện đàm sẽ được tiến hành vào ngày 14/2, nhưng đã bị đẩy lên sớm hai ngày.
Trước khi nói chuyện với ông Biden, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm dài gần hai giờ đồng hồ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các quan chức Pháp cho biết ông Putin muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không kết nạp Ukraine. Mátxcơva từ lâu đã nhấn mạnh rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị coi là hành vi vượt lằn ranh đỏ. Tuy nhiên yêu cầu của Nga liên tục bị NATO phớt lờ
Trong suốt nhiều tháng qua, các quan chức và báo giới phương Tây đã liên tục cáo buộc Mátxcơva đang tìm cách tấn công Ukraine dù không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Những lời cáo buộc mới nhất được đưa ra hôm 12/2, khi nhiều tờ báo Mỹ dẫn nguồn giấu tên cho biết Mátxcơva có thể ra lệnh tấn công Ukraine vào ngày 16/2.
Các cáo buộc này đều bị Nga bác bỏ. Điện Kremlin khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác.