Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc phát huy tiện ích trong điều kiện dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc đảm bảo chi ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội cũng như phòng chống dịch cho các đơn vị thụ hưởng là ưu tiên hàng đầu của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc phát huy tiện ích trong điều kiện dịch bệnh ảnh 1

Các tiện ích của DVCTT được đánh giá cao vì khách hàng không phải đem chứng từ giấy đến Kho bạc

Dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả

Trong tình hình hiện nay, toàn hệ thống KBNN đang nỗ lực thực hiện tốt công tác kiểm soát chi thường xuyên, trong đó ưu tiên giải ngân nhanh, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng các quy định. Để làm được điều đó, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đóng vai trò quan trọng và đến nay đã phát huy được hết tác dụng, nhất là tại những địa phương đang có tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Hiện nay, hệ thống DVCTT luôn hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, chính xác và nhanh chóng khi truyền dữ liệu vào Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc; trả kết quả cho đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy định. Từng dịch vụ được quy định chi tiết, cụ thể, dễ dàng, thuận tiện cho các đơn vị tham gia.

Đơn cử tại KBNN Bắc Giang, ngay từ năm 2020, 100% đơn vị giao dịch thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT, hầu hết hồ sơ, chứng từ thanh toán được đơn vị gửi đến KBNN qua chương trình DVCTT và đã được KBNN tiếp nhận giải quyết kịp thời. Trong điều kiện bình thường, DVCTT đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đơn vị sử dụng ngân sách. Hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh, các tiện ích của DVCTT càng được đánh giá cao vì khách hàng không phải đem chứng từ giấy đến Kho bạc, chỉ cần ngồi ở nhà đẩy hồ sơ, chứng từ lên DVCTT để thanh toán với Kho bạc. Các cán bộ làm công tác kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách không phải đi ra bên ngoài nên đã đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “ ở yên một chỗ” nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ.

Theo báo cáo của KBNN Bắc Giang, trong tháng 5/2021 - tháng bùng phát dịch tại Bắc Giang, KBNN Bắc Giang đã tiếp nhận, giải quyết 4.743 hồ sơ chứng từ qua DVCTT, đạt 100%. Đặc biệt, mọi hoạt động giao dịch tại KBNN Bắc Giang vẫn luôn đảm bảo thông suốt trong thời điểm dịch bệnh đang lên đến đỉnh điểm trên địa bàn tỉnh.

Hay như tại KBNN Vĩnh Phúc, ngay từ cuối năm 2020, tỷ lệ giao dịch qua DVCTT đã đạt 100%. Mọi giao dịch đều được xử lý trên môi trường mạng, không có sự tiếp xúc trực tiếp người với người. Chứng từ được truyền nhận qua hệ thống DVCTT thông suốt và KBNN Vĩnh Phúc không để chứng từ tồn đọng nếu không có lý do. Nhờ vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, KBNN Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa giãn cách xã hội vừa đảm bảo mọi hoạt động chi trả ngân sách thông suốt.

Mới đây, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng giám đốc KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố phải thường xuyên kiểm tra, giám sát thủ trưởng các KBNN trực thuộc trong việc giải quyết hồ sơ thanh toán nguồn vốn ngân sách nhà nước qua KBNN trên hệ thống DVCTT cũng như các hồ sơ không qua DVCTT để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, nghiêm khắc xử lý những hồ sơ chậm không rõ lý do.

Quản lý, bảo mật chứng thư số

Song song với việc vận hành ổn định thông suốt DVCTT, hệ thống KBNN cũng yêu cầu các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách chấp hành nghiêm việc quản lý chứng thư số, chữ ký số... Bởi lẽ, thực tiễn cho thấy, đã có nhiều vụ thất thoát tiền và tài sản nhà nước của các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách từ việc ủy thác, ủy quyền việc sử dụng chứng thư số, chữ ký số và mật khẩu không đúng quy định pháp luật trong giao dịch điện tử...

Nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước, KBNN đã lưu ý các KBNN địa phương yêu cầu các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách được giao theo từng chức vụ và vị trí công tác. Đồng thời, KBNN quán triệt đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm chuyên môn kế toán ngân sách nhà nước thực hiện đúng chức năng, phạm vi quyền hạn của mình, tuân thủ nghiêm quy trình kế toán, chi ngân sách từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

KBNN cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách cần chú trọng, xem xét kỹ lưỡng quy trình đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản hàng tháng với cơ quan KBNN. Nếu phát hiện bất hợp lý cần kịp thời liên hệ ngay với KBNN nơi giao dịch để xem xét cụ thể. Theo đó, các chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đăng ký giao dịch trên hệ thống DVCTT của KBNN, đặc biệt là thông tin về email nhận thông báo từ kho bạc. Thực hiện cài đặt và sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi ngân sách nhà nước của đơn vị, kịp thời phát hiện và thông báo cho KBNN nơi giao dịch các khoản chi bất thường.

KBNN khuyến cáo thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT được cấp để giao dịch gửi hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN đảm bảo chặt chẽ theo các quy định hiện hành.

Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình dịch vụ công trực tuyến của mình được cấp cho người khác quản lý, để lộ thông tin về chứng thư số, tài khoản đăng nhập (mã đăng nhập và mật khẩu) của các thành viên trong đơn vị trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

MỚI - NÓNG