Khởi động hành trình tìm lại vị thế của đô thị Thành Nam

0:00 / 0:00
0:00
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân hằng năm: 15- 17%
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân hằng năm: 15- 17%
TP - Năm 2021 được xem là thời điểm khởi đầu trong hành trình đến một trang sử mới của thành phố Nam Ðịnh. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2020-2025 đã đề ra mục tiêu lớn, mang tính lịch sử là “tìm lại vị thế là một trong 3 thành phố lớn của miền Bắc” và xây dựng thành phố Nam Ðịnh trở thành trung tâm vùng đồng bằng nam sông Hồng.

Thay da, đổi thịt

Trong 5 năm gần đây, diện mạo đô thị Nam Định đã có biến chuyển rõ rệt. Bản thân nhiều người dân bản địa còn thấy ngỡ ngàng khi nhận ra thành phố bất chợt trở thành một đại công trường với hàng loạt các dự án khu đô thị, cầu đường, bệnh viện, khu di tích đang hối hả thi công.

Ông Dương Xuân Nam (72 tuổi, sống tại ngõ 124, đường Trần Huy Liệu, phường Trường Thi), một người dân sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Định phấn khởi: “Sau khánh thành cầu Tân Phong và thi công hàng loạt tuyến đường như đường Trần Thánh Tông, đường nối quốc lộ 10 đến hồ Lộc Vượng, đường Nguyễn Công Trứ kéo dài, người dân Nam Định chúng tôi đều phấn khởi khi thấy hàng loạt công trình mang tính tầm vóc đô thị xuất hiện như Khách sạn Nam Cường; Tổ hợp trung tâm thương mại và nhà ở Nam Định Tower, Bệnh viện mắt tỉnh, Khu đô thị Dệt may; đường trục trung tâm phía Nam thành phố Nam Định, Khu đô thị mới phía Nam sông Đào... Suốt cuộc đời gắn bó với thành phố Nam Định, lần đầu tôi thấy thành phố này có nhiều thay đổi như thế”.

Phấn khởi thông báo một số kết quả phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021 như Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.644 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ), Ước thu ngân sách hơn 1.566 tỷ đồng, đạt 45% dự toán, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng cho biết, sự thay đổi rõ về diện mạo thành phố như trên nằm trong tiến trình “xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 2016-2020” theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định.

Cũng theo Chủ tịch Phạm Duy Hưng, sau khi được UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép lập điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Nam Định, thành phố đã triển khai thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Nam Định thành 4 phân khu, bắt đầu cho quá trình hình thành một thành phố hiện đại, có quy hoạch lâu dài.

Tiến về phía nam sông Ðào

Theo Bí thư Thành uỷ Nam Định Nguyễn Anh Tuấn, những thay đổi nói trên của thành phố Nam Định dù rất rõ rệt, nhưng mới chỉ là sự chuẩn bị, nền móng cho một bước ngoặt mang tính lịch sử của thành phố này là tìm lại vị thế của Thành Nam xưa là 1 trong 3 thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

“Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX vừa diễn ra đầu năm đã thông qua Nghị quyết về nội dung phát triển thành phố Nam Định theo mục tiêu nói trên. Năm 2021 này là năm đầu tiên toàn tỉnh, toàn thành phố bước vào thực hiện mục tiêu này”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Anh Tuấn, cũng đầu năm 2021, cùng với sự ra đời của Nghị quyết về phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch này, diện tích của đô thị Nam Định sẽ bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay (diện tích 46,41 km2); huyện Mỹ Lộc (74,49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản (26,48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực (40,6 km2), với tổng diện tích khoảng 187,99 km2.

Điểm đặc biệt của quy hoạch mới là thành phố Nam Định sẽ mở rộng về phía Nam theo hướng đưa sông Đào thành trục trung tâm của thành phố thay cho vị trí ven đô hiện nay.

“Định hướng phát triển không gian đô thị Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc và Đông Nam theo hành lang trục quốc lộ 21B, đường vành đai 2 mới, với 3 vùng phát triển. Trong đó, vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu Nam Định. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc, với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại. Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định”, ông Tuấn thông tin.

MỚI - NÓNG