Cánh diều vàng tuổi hai mươi

Cánh diều vàng tuổi hai mươi
TP - Tin Đỗ Nguyễn Lan Hà, diễn viên nghiệp dư trẻ ở Huế giành được giải Cánh diều vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2008 làm nức lòng người dân Huế, nhất là các bạn trẻ.

Như thế, Lan Hà đã hai lần được giải cao trong Liên hoan phim Việt Nam. Lần trước là giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong vai Gianh phim Đời cát khi Hà mới 13 tuổi, lần này là Cánh diều vàng, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong vai Mai phim Trái tim bé bỏng khi Lan Hà ở tuổi 20.

Đó là những giải thưởng danh giá mà bất cứ diễn viên điện ảnh nào cũng đều mơ ước suốt cuộc đời mình. Lan Hà còn quá trẻ, quá nhiều thời gian phía trước trên con đường trưởng thành thành một ngôi sao điện ảnh…

Tôi rất hâm mộ, muốn gặp Lan Hà để mục sở thị cô bé “diễn viên không chuyên” này thế nào mà vượt qua hàng trăm diễn viên nữ được đào tạo bài bản để sở hữu giải thưởng sang trọng nhất của điện ảnh Việt Nam.

Nhưng hỏi thì mọi người chỉ biết “cô ấy là sinh viên Học viện âm nhạc Huế”, còn không ai biết nhà ở đâu. Tôi định đến Học viên âm nhạc hỏi thầy Hiệu trưởng nhạc sĩ Trương Ngọc Thắng, nhưng chợt nhớ ra phải hỏi ngay nhà văn Nguyễn Quang Lập có lẽ nhanh hơn. Thế là tôi rút máy nhắn tin cho Lập, tác giả kịch bản phim Trái tim bé bỏng. Ngay lập tức tôi có số máy Lan Hà.

Cánh diều vàng tuổi hai mươi ảnh 1
Lan Hà trong lễ trao giải Cánh diều vàng  Ảnh: Trần Tiến Dũng

Nhà của Hà ở số 18/20/28 - Ngự Bình, nghĩa là ở trong ngách sâu của con đường có lẽ xấu nhất Huế. Đường này nối từ ngã ba Nghẹo Giàng Xay  Hùng Vương lên núi Ngự Bình.

Đường ổ trâu, ổ gà trồi trụt. Mưa tạnh hơn nửa tháng rồi mà con đường này vẫn  đọng nhiều vũng nước, mỗi lần xe qua nước bùn đất lại bắn tung tóe.

Không tìm ra ngõ, ngách, tôi gọi điện. Lan Hà nhiệt tình ra đường Ngự Bình đón.  Hà bảo “cháu vừa đi học về”. Đúng là sinh viên. Áo cộc tay, quần Jean, chẳng son phấn gì, nói cười hồn nhiên, dáng đi nhí nhảnh.

Trên đường theo Hà vào nhà, tôi cứ nghĩ đến câu chuyện cổ tích:  Có một chàng hoàng tử thấy chim họa mi hót hay quá, bèn cưỡi ngựa bám theo để xem nơi họa mi sinh ra. Nơi ở  của “ca sĩ” hót say lòng người ấy chắc phải là lâu đài nguy nga tráng lệ lắm. Hoàng  tử nghĩ. Đi mãi đến cuối chiều tắt nắng, mới hay chim chui vào một cái tổ trong bụi mận gai... Vâng, con hẻm ngoằn ngoèo, heo hút  dọc đường sắt Bắc - Nam này chính là nơi cư ngụ của Lan Hà, ngôi sao mới của làng điện ảnh...

Cánh diều vàng tuổi hai mươi ảnh 2

2.

Lan Hà ở với bà ngoại đã 83 tuổi. Hằng ngày, do bà đã quá già, lại đau chân không đi được xa, nên trưa đi học về  Lan Hà phải  ghé chợ mua  thực phẩm về nấu nướng giúp bà.

Khi bận việc không đi được thì Hà gửi tiền cho hàng xóm mua hộ. Mỗi lần bà ốm, đi viện, Lan Hà phải vừa đi học vừa  lên bệnh viện chăm sóc bà. Hà không dám nối mạng Internet, vì lương hưu của bà thì ít, mà mình tiêu nhiều quá, bà sẽ buồn.

Bà ngoại Hà tên là Nguyễn Thị Kim Hường là giáo viên nghỉ hưu đã lâu. Ông ngoại Hà, cụ Nguyễn Như Cầm mới mất cuối năm ngoái, thọ 87 tuổi. Khi còn sống, ba bốn năm liền mưa gió gì ông ngoại cũng đạp xe chở Hà vào trường Đại học Nghệ thuật Huế  trong Đại Nội cách hai cây số để cháu học còn trưa lại đi đón.

Năm lớp  2, Hà đã thi đậu vào lớp sơ cấp âm nhạc 11 năm. Học xong sơ cấp, Hà tiếp tục thi đậu hệ đại học. Vì Hà nhỏ tuổi, ông ngoại sợ không cho cháu đạp xe đi ngoài phố, nên ông già yếu cũng phải chở cháu đi.

May mắn cụ Cầm đã một lần hạnh phúc khi thấy đứa cháu ngoại yêu quý của mình được đạo diễn mời đóng phim và được giải thưởng phim Đời cát

Nhưng cụ không còn sống để được ứa nước mắt một lần nữa vì bây giờ đứa cháu ngoại kháu gái và tài năng của mình vừa nhận được giải thưởng lớn hơn trước nhiều - Cháu ngoại của cụ đã trở thành Cánh diều vàng Việt Nam ở tuổi hai mươi!

Khi tôi đề nghị cho xem hình thù Cánh diều vàng, Lan Hà lên gác xép lấy  xuống cả cái bằng khen vai phụ phim Đời cátCánh diều vàng phim Trái tim bé bỏng.

Lan Hà đưa cho tôi xem, rồi cứ cười nói như là những thú ấy không quan trọng gì. Nhận Cánh diều vàng về, Lan Hà để trong hộp cất vào tủ, không  đặt ở vị trí trang trọng trong phòng khách để khoe với thiên hạ như người ta thường làm.  Giải thưởng Cánh diều vàng 5 triệu Lan Hà đều mang về cho bà ngoại, không tiêu một đồng.

Tôi hỏi: “Khi lên nhận giải thưởng Cánh diều vàng, cảm giác của Hà như thế nào?”. Hà cười: ”Cháu run lắm. Run vì mình không ngờ mình được giải thưởng lớn thế này. Run vì  các cô các chị diễn viên ai cũng đẹp, ăn mặc sang trọng, còn cháu thì quê mùa quá. Bởi run quá nên cháu nhận Cánh diều vàng là chuồn xuống ngay, quên mất cọc tiền giải thưởng kèm theo. May có chị Hồng Ánh nhận giúp!”.

Cánh diều vàng tuổi hai mươi ảnh 3
Lan Hà trong vai Mai, phim Trái tim bé bỏng

Bố mẹ Hà là giáo viên lấy nhau ở Quảng Trị. Sau khi sinh Hà thì chia tay. Khi mẹ sinh Lan Hà ở bệnh viện được năm ngày thì bà ngoại ở Huế ra ẵm cháu vào nuôi cho đến bây giờ.

Bà nuôi Hà bằng sữa mua ngoài phố với đồng lương hưu eo hẹp của hai vợ chồng. Ông ngoại đi làm giấy khai sinh, đặt tên là Lan Hà, có lẽ để kỷ niệm cháu mình sinh ta ở bệnh viện Hà Lan, Quảng Trị.

Lan Hà chưa một lần nhìn thấy mặt bố. Còn mẹ thì dạy học ở Quảng Trị, nhưng thỉnh thoảng lắm mới vào thăm con, vì cô đã lập gia đình với người khác.

Có lẽ hoàn cảnh thiếu thốn tình thương cha mẹ đó đã tạo cho Hà sớm biết đồng cảm với những cảnh đời éo le. Hà vào vai Gianh trong phim Đời cát hay vai Mai trong phim Trái tim bé bỏng không phải bằng kỹ thuật diễn xuất, mà bằng trái tim đồng cảm, thổn thức với những chuyện đời dâu bể của nhân vật.

Hà kể, “khi đọc kịch bản của chú Nguyễn Quang Lập, cháu đã khóc vì thương cô gái Mai quá. Nên mặc dù phải vào  vai một cô gái điếm, dư luận Huế sẽ dị nghị, nhưng chú Thanh Vân động viên, cháu vẫn quyết làm cho bằng được”! 

Cô gái  Mai trong Trái tim bé bỏng từ làng biển quê nghèo ra tỉnh với mong ước kiếm được việc làm có tiền để giúp em ăn học, giúp bố mẹ. Nhưng rồi cô đã sa vào nhà chứa rồi bị nhiễm HIV/AIDS, sau đó trở về quê.

Những chuyện như thế ta đọc nhiều trên báo, nhưng với Lan Hà, đó là chuyện lớn quá, ngợp quá, ngoài sức tưởng tượng của em, một sinh viên năm thứ hai của Học viện Âm nhạc Huế, con nhà lành. 

Có lần Hà đã gặp đạo điễn Thanh Vân để trả lại vai, vì sợ dư luận bạn bè. Nhưng khi nhận vai thì Hà đã quyết tâm phải ăn rau, không ăn tinh bột hay thịt gần tháng trời, rồi đi tập thể dục, tập bơi đến mệt lử để gầy đi cho hợp vai. Chứ cô gái điếm nghèo mà béo tốt thì ai tin…

Do sự cảm thông, chia sẻ đó, mà Hà diễn viên  đã gặp Mai nhân vật một cách đồng điệu, đồng cảm. Mai cố vượt ra  khỏi sự nghèo khó, đau khổ trước thực tại đời mình, còn Hà thì đang cố vượt qua hoàn cảnh cô đơn, thiếu tình thương bố mẹ.

Sự mất mát bi thương đó đọng lại trong  “trái tim bé bỏng” của tuổi đôi mươi. Đó là sự cộng hưởng của cảnh ngộ tạo ra sự  truyền cảm của bộ phim đem đến cho người xem nỗi xúc động nghẹn ngào cùng những trải nghiệm nhân bản.

Cánh diều vàng tuổi hai mươi ảnh 4
Lan Hà với vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang

3.

Quê của Hà là xã Quảng Trạch, Quảng Bình. Chính miền quê  gió cát lửa bỏng cháy ấy đã sinh ra Nguyễn Quang Lập, người chuyên viết kịch bản cho Nguyễn Thanh Vân làm phim, từ Đời Cát, Người đàn bà mộng du, Thung lũng hoang vắng (Nguyễn Quang Lập biên tập) đến Trái tim bé bỏng (hiện Thanh Vân đang bấm may quay bộ phim truyền hình 25 tập Tuổi yêu, cũng là kịch bản của “nhóm Nguyễn Quang Lập”); rồi lại  sinh ra Lan Hà để thể hiện những phim ấy với những vai diễn xuất sắc.

Họ trở thành một ê-kíp làm phim được dư luận đánh giá cao hiện nay. Ê-kíp đó đã tạo ra Đời cát của Nguyễn Thanh Vân được ba giải lớn tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương năm 2000.

Đời cát cũng có mấy trường đoạn phim quay ở Quảng Bình, Trái tim bé bỏng cũng có mấy trường đoạn quay ở Quảng Bình. Chính những cảnh quay ấy đã đưa Lan Hà về với quê hương gốc gác.

Có lẽ sự gặp nhau ấy cũng do tiền kiếp sắp đặt. Lan Hà bảo rằng, khi bình thường “chú Vân” rất mềm mỏng, nhưng khi làm việc “chú Vân” vô cùng khắt khe. Hà lại là diễn viên không chuyên nên bị chú “la” hoài. Nhưng Hà chỉ thích tham gia đóng các vai trong phim của “chú Thanh Vân”, vì kịch bản nào cũng rất đời, cũng rơi nước mắt.

Năm 1993, Nguyễn Thanh Vân đang loay hoay tìm diễn viên cho vai bé Gianh trong phim Đời cát. Năm đó, Phạm Nhuệ Giang vào Huế dự Liên hoan phim Việt Nam. Chị tranh thủ ra Nhà thiếu nhi Huế để chọn người đóng vai em bé Gianh.

Khi phát hiện ra gương mặt của bé Lan Hà rất phù hợp với vai bé Gianh, cô Nhuệ Giang ôm bé Hà  trong lòng, hỏi: “Bé có thích đóng phim không?”. Lan Hà trả lời ngay: ”Thưa cô, cháu rất thích ạ”.

Nhuệ Giang điện cho chồng:” Đã phát hiện ra cô bé rất hợp với vai bé Gianh, nhưng anh trực tiếp vào để thẩm định lại”. Thế là Thanh Vân bay ngay vào Huế. Và anh chàng đạo diễn rất khắt khe trong việc chọn người vào vai nhân vật này đã phải đồng ý ngay trong buổi gặp Lan Hà đầu tiên.

Sự lựa chọn đó thật đáng đồng tiền bát gạo. Vì  hai lần vào vai trong phim của Nguyễn Thanh Vân, Lan Hà đều đoạt giải thưởng cao nhất dành cho diễn viên nữ.

Khi tôi hỏi : ”Lan Hà  xem lại phim mình đóng có cảm giác thế nào?”. Hà cười vô tư: “Lúc cháu xem lại mình đóng vai Gianh trong Đời Cát hay vai Mai trong Trái tim bé bỏng, cháu cứ ngạc nhiên không hiểu sao mình lại đóng được như thế. Có thể là do quá đồng cảm cảnh ngộ nhân vật. Cũng có thể đó là những giờ phút nhập thần rồi, phải không chú ?”. Đúng, nhập vai, nhập đồng chính là một phần phẩm chất của những diễn viên điện ảnh lớn!

Cánh diều vàng tuổi hai mươi ảnh 5
Lan Hà trong vai bé Giang (người nhỏ nhất), phim Đời cát

4.

Mỗi lần đi  đóng phim, có lúc tới hai tháng rưỡi xa nhà, xa Huế. Lan Hà nhớ ông bà ngoại lắm. Có đêm nhớ ông bà nằm khóc hu hu. Hà là “cái đuôi” của ông bà ngoại từ nhỏ.

Bà đi đâu cũng đi theo. Bà đi nuôi con gái út sinh đẻ ở Nha Trang cũng phải “tha” Lan Hà đi, vì để ở nhà không có ai chăm. Bà ngoại Hà kể rằng, tính hiếu kỳ đã dẫn Lan Hà đi lạc ở  thành phố biển  tuyệt đẹp ấy, khiến bà phải nhờ người đi tìm vã mồ hôi mới được.

Nhưng  ngại nhất là phải xa trường, xa lớp. Một đợt đi đóng phim  về là  bao nhiêu môn học phải nợ, phải thi lại. Vì thế mà Lan Hà rất thông minh, nhưng chưa bao giờ đạt học sinh tiên tiến, hay được học bổng vì chuyên thiếu giờ, thiếu môn, nợ môn.

Theo chúng tôi được biết, từ 27/3 đến 20/4, bộ phim Trái tim bé bỏng sẽ được công chiếu tại 15 trường đại học ở New York, Mỹ. 

Ngoài đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đoàn còn có diễn viên Hồng Ánh, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Nếu mà Lan Hà không bận học chắc là cũng được tham gia đoàn.

Rồi người Mỹ và khán giả các nước trên thế giới sẽ xúc động, đồng cảm với vai Mai trơng phim Trái tim bé bỏng. Nhất là cảnh cuối phim, Mai chạy bộ  tất tưởi đuổi theo chiếc xe đò đang chở em gái mình lên thành phố…

Nhưng chắc họ không  ngờ người diễn viên đóng vai Mai rất xúc động đó lại là một diễn viên không chuyên, đang là sinh viên xứ Huế - Đó là Lan Hà, Cánh diều vàng tuổi hai mươi.

Nhà trường quy định đang trong năm học sinh viên không được nghỉ học. Nếu nghỉ quá 20% số giờ môn nào đó, thì phải học lại, thi lại. Nên đợt đi đóng phim Trái tim bé bỏng, Đại học Huế không đồng ý để Lan Hà đi  trong thời gian dài như thế, vì sẽ bỏ học nhiều môn.

Bí quá, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Quang Lập phải nhờ nhà văn Tô Nhuận Vỹ ở Huế can thiệp. Tô Nhuận Vỹ trước lúc đi Mỹ thăm cháu ngoại, đã phải dừng mua vé, chạy qua chạy về gặp thầy hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế Trương Ngọc Thắng, rồi chạy lên Đại học Huế là cơ quan chủ quản gặp các anh lãnh đạo, tìm cách cho Lan Hà đi đóng phim “vì sự nghiệp văn học nghệ thuật của đất nước”.

Nhờ thế mà vai Mai trong phim Trái tim bé bỏng của Lan Hà đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Nhưng sau khi đóng phim Trái tim bé bỏng về, hiện Lan Hà còn nợ thầy ba môn học: tâm lý học, giáo dục thể chất và nhạc lý. Hai môn kia thì phải học để thi lại. Riêng môn Tâm lý thì phải học lại từ đầu. Mấy hôm tôi đến  thăm, thấy Hà đi học cả ngày, cả buổi tối. Mới hay để được Cánh diều vàng danh giá cũng phải vất vả lắm lắm!

Hiện Lan Hà là sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm âm nhạc. Mơ ước của Lan Hà là trở thành cô  giáo dạy nhạc cho các em. Bảy năm nay, Hà chỉ mới tham gia đóng ba phim. Ngoài Đời cát, Trái tim bé bỏng, Lan Hà còn đóng vai  phụ trong phim truyền hình Chuyện ở xóm Chài của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế - HVTV.

Tôi hỏi Lan Hà khi học xong đại học, Hà có ước muốn trở thành diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp không, vì cái tên Lan Hà đã là một thương hiệu mới trong làng điện ảnh nước nhà. Hà bảo: “Cháu chưa biết sau này thế nào, nhưng nếu đạo diễn nào mời, và nếu  được trường cho đi, cháu  vẫn  tham gia đóng phim. Nhưng phải là các phim   của “chú Vân” cháu mới thích. Muốn thành chuyên nghiệp lại phải đi học nữa…”. 

Huế, 15/3/2008
Ngô Minh

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.