Phương Tây tính lại chuyện viện trợ vũ khí cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giới chức quân sự và tình báo phương Tây tin rằng tình hình ở Ukraine đang ở giai đoạn then chốt, có thể quyết định kết quả lâu dài của cuộc xung đột, các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Phương Tây tính lại chuyện viện trợ vũ khí cho Ukraine ảnh 1

Khói bay lên ở thành phố Severodonetsk ngày 13/6. (Ảnh: CNN)

Tình thế quan trọng này có thể buộc các chính phủ phương Tây phải đưa ra quyết định khó khăn, sau một thời gian viện trợ liên tục cho Ukraine với cái giá ngày càng lớn đối với chính nền kinh tế và dự trữ vũ khí của họ.

Trong ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ chủ trì cuộc họp của quan chức từ gần 50 quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng, và Washington dự kiến sẽ thông báo cung cấp thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với CNN.

Các quan chức Ukraine bày tỏ không hài lòng với tình trạng vũ khí được đưa tới theo kiểu nhỏ giọt, và lo rằng cam kết của phương Tây có thể giảm đi vào thời điểm mang tính chất quyết định.

“Tôi nghĩ chúng ta đã đến thời điểm mà bên này hoặc bên kia sẽ thành công. Hoặc Nga sẽ vào Slovyansk và Kramatorsk hoặc Ukraine sẽ chặn họ lại. Và nếu người Ukraine có thể giữ được, điều đó sẽ rất quan trọng”, một quan chức cấp cao của NATO nói.

Ba kịch bản

Giới chức phương Tây đang theo dõi sát sao khả năng xảy ra 1 trong 3 kịch bản mà họ cho là khả thi.

Trước hết, Nga sẽ tiếp tục giành được những bước tiến quan trọng ở 2 tỉnh miền đông Ukraine, hoặc hai bên sẽ tiếp tục giằng co trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên và cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục tác động nặng nề lên kinh tế toàn cầu.

Sau đó, có khả năng mà phương Tây đánh giá là ít xảy ra nhất: Nga sẽ thay đổi mục tiêu của chiến dịch, thông báo đã đạt được chiến thắng để kết thúc cuộc chiến. Các nguồn tin nói rằng kịch bản này chỉ là viển vông.

Nếu Nga có thể củng cố thành quả ở miền đông, giới chức Mỹ sợ rằng Mátxcơva sẽ dùng nơi đó làm bàn đạp để tấn công tiếp các tỉnh thành khác của Ukraine.

“Tôi tin rằng nếu Ukraine không đủ mạnh, họ sẽ đi xa hơn nữa”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm 14/6 để thúc giục phương Tây gửi vũ khí nhanh hơn. “Chúng tôi đã thể hiện sức mạnh của chúng tôi. Và điều quan trọng là sức mạnh này cũng cần được các đối tác phương Tây thể hiện”, ông nói.

Giới chức phương Tây tin rằng Nga hiện nay đã có vị trí thuận lợi hơn ở miền đông, nhưng đây chưa phải kết thúc, một quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định.

Khi chiến sự diễn ra ác liệt, cả hai bên đều hứng tổn thất nặng nề và đang đối diện với nguy cơ thiếu người. Phương Tây đánh giá Nga đã mất tới 1/3 lực lượng mặt đất, và tình báo Mỹ công khai đánh giá rằng Nga sẽ khó có thể giành được chiến thắng đáng kể nào nếu không huy động tổng lực, điều có thể trở nên rủi ro với Mátxcơva.

Đến nay, chiến sự đang tập trung vào 2 thành phố sinh đôi nằm đối diện nhau bên bờ sông Seversky Donets, gồm Sievierodonetsk và Lysychansk. Binh lính Ukraine gần như đã bị bao vây hoàn toàn ở Sievierodonetsk.

Dù các nhà phân tích phương Tây cho rằng Ukraine có cơ hội lớn hơn ở Lysychansk, nhưng đã có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy Nga đang cố chặt đứt các tuyến tiếp tế cho thành phố này bằng cách đánh vào từ hướng đông nam.

“Theo nhiều cách, số phận vùng Donbass của chúng tôi đang được định đoạt” ở hai thành phố, ông Zelensky phát biểu tuần trước.

Vũ khí bỏ xó

Giới chức Mỹ khẳng định vũ khí của phương Tây vẫn được đưa ra tiền tuyến. Nhưng những báo cáo ở địa phương về tình trạng thiếu vũ khí đang đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hoạt động vận chuyển.

Theo các nguồn tin, khi Ukraine đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô. Họ còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi sang sử dụng vũ khí của phương Tây.

Một yếu tố là đào tạo binh lính quen với vũ khí mới sẽ tốn thời gian. Một nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng Ukraine đơn giản là không sử dụng những vũ khí phương Tây mà họ không quen. Một ví dụ là dù nhận được hàng trăm máy bay không người lái Switchblade, một số đơn vị của Ukraine thích sử dụng máy bay không người lái thương mại gắn thuốc nổ để tấn công hơn.

Trong khi đó, còn rất ít vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô vẫn còn tồn tại trên thế giới để có thể gửi cho Ukraine. Mỹ đang thúc giục các nước còn vũ khí cũ cung cấp cho Ukraine, nhưng không có nhiều.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói với CNN rằng Mỹ đang cố gắng “hiểu rõ hơn về tốc độ tiêu thụ” vũ khí của Ukraine. Khi được hỏi rằng có phải Ukraine đang cạn vũ khí hay không, vị quan chức nói: “Rất khó để biết”.

Điểm mù này một phần là do Ukraine không nói với phương Tây mọi thứ, và chiến sự đang tập trung vào khu vực nhỏ nằm gần Nga hơn, nơi tình báo phương Tây khó hoạt động hơn các địa bàn khác.

Đoán bước đi tiếp theo của ông Putin

Giới chức Mỹ và phương Tây không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm cam kết với chiến dịch quân sự hiện nay, một quan chức NATO cho biết.

“Ông Putin vẫn tin rằng cuối cùng ông ấy sẽ thắng để kiểm soát thực tế hoặc chính trị ở một phần hoặc toàn bộ Ukraine”, vị quan chức nói.

Nhưng dù ông Putin vẫn kiên quyết với mục tiêu đề ra, phương Tây có thể sẽ thay đổi.

Khi cuộc chiến kéo dài, tổn thất mà phương Tây phải gánh tiếp tục tăng. Một số chính phủ, trong đó có Mỹ, lo tình trạng lượng lớn vũ khí viện trợ cho Ukraine khiến kho dự trữ quốc gia của họ thiếu hụt.

Bên cạnh đó, tình trạng giá nhiên liệu và lạm phát quá cao cũng đang khiến phương Tây tổn thất lớn. Khi tổn thất bắt đầu tác động đến dân thường ở Mỹ và châu Âu, sự chú ý của báo chí đã không còn dồn vào diễn biến hằng ngày của cuộc xung đột. Một số quan chức sợ rằng sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ giảm dần.

Theo CNN
MỚI - NÓNG