Phum Sóc ngày mới

Phum Sóc ngày mới
TP - Từ khi có điện, cuộc sống của bà con trong các Phum Sóc vùng dự án cấp điện cho đồng bào Khmer các tỉnh miền Tây Nam bộ như mở ra ngày mới.

> 205 tỷ đồng ủng hộ chương trình đưa lưới điện ra đảo Cô Tô
> Cô Tô có điện lưới quốc gia

Và, dù chưa thể vươn lên giàu có trong một sớm một chiều, nhưng với bà con Khmer vùng dự án, nơi mà chúng tôi có dịp trở lại, ai cũng ghi nhận: điện “chạy” đến đâu đời sống dần đổi thay đến đó.

Truyền năng lượng cho phum sóc

Chúng tôi trở lại Bạc Liêu vào cuối tháng 6/2013. Cảm nhận đầu tiên là Phum Sóc yên bình, thơ mộng. Băng một quãng đồng, chúng tôi đến nhà anh Sơn Phết ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Chủ nhà không giấu được niềm vui, bởi kinh tế gia đình ổn định, con cái được học hành đỗ đạt, với đứa con trai đầu lòng đang học năm hai đại học. “Trước kia chưa có điện đâu có tivi xài, chỉ đốt đèn bình, đèn cóc. Khi có điện rồi mới có ti vi, bà con vui vẻ, rất mừng” - anh Sơn Phết chia sẻ.

Hai ngàn mét vuông hoa màu của gia đình Sơn Phết đang vào kỳ thu hoạch. Cứ cách nhau một ngày cho một đợt hái trái, mang về nguồn thu hơn bốn trăm ngàn đồng mỗi lần. Ngoài niềm vui được mùa, gia đình anh Sơn Phết còn có thêm niềm vui từ cuộc sống ấm no mà không phải lao lực, vất vả. Sơn Phết kể: “ Hồi trước tưới bằng máy dầu thì chi phí cả đám rẫy này khoảng 30 ngàn đồng/ngày. Giờ tưới bằng điện thì 7 hoặc 8 ngàn đồng/ngày là tối đa”.

Lội một quãng đồng xa chúng tôi mới đến được nhà ông Sơn Bông, đó là ngôi nhà biệt lập, hẻo lánh nhất của xã Hưng Hội. Khi có điện, ngoài hai vụ lúa, ông Sơn Bông cũng như nhiều gia đình trong khu vực chăn nuôi, trồng thêm hoa màu, nhờ vậy mà nguồn thu đã tăng đáng kể, ngoài ra còn tiết giảm chi phí, rút ngắn công việc đồng áng.

Bà con Khmer xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng háo hức chờ đón dòng điện quốc gia chạy về Phum Sóc. Ảnh: Đại Dương
Bà con Khmer xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng háo hức chờ đón dòng điện quốc gia chạy về Phum Sóc. Ảnh: Đại Dương.

Cuối năm 2011, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành dự án cung cấp điện cho đồng bào Khmer. Qua dự án này, Bạc Liêu đã có thêm 5.500 hộ gia đình đồng bào Khmer hưởng lợi từ dòng điện quốc gia. Được truyền thêm năng lượng, như truyền thêm sức sống, bộ mặt của Phum Sóc giờ cũng đã khác xưa.

Ông Trần Danh Tuyên - Phó GĐ Sở Công Thương Bạc Liêu chia sẻ: “Đây là dự án mang lại hiệu quả rất là lớn trong phục vụ sinh hoạt đời sống xã hội của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc Khmer trong tỉnh, giúp cho địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội”.

Sau Bạc Liêu, 3 tỉnh khác thuộc vùng dự án là Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh cũng đã lần lượt triển khai. Vốn vẫn từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và vốn đối ứng của Tổng công ty điện lực Miền Nam.

Theo đó, hộ dân thuộc vùng dự án sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí dây dẫn điện vào nhà và công tơ điện. Dù thời gian có điện sử dụng của đồng bào nằm trong vùng dự án đến nay vẫn chưa lâu, nhưng tại những nơi mà chúng tôi có dịp trở lại, được tận mắt chứng kiến dòng diện quốc gia kéo về kết hợp với nhiều hạ tầng quan trọng khác, như giao thông, trường, trạm đã góp phần đem đến sự đổi thay từng ngày cho Phum Sóc Tây Nam bộ.

Điện đến đâu, phum sóc đổi thay đến đó

Từ trung tâm huyện Gò Quao (Kiên Giang), chúng tôi băng hơn chục cây số đường đồng để đến Định An, xã vùng sâu của huyện. Ven lộ, dân cư dù còn nghèo và thưa thớt, nhưng điều đáng ghi nhận là lộ nhựa và dòng điện từ lưới điện quốc gia đã đến với từng nhà của đồng bào nơi này.

Trong ngôi nhà lá giản dị của anh Danh Hồng, ngoài chiếc xe gắn máy, tài sản vật chất có giá trị kế đến có lẽ là chiếc tivi màu mà vợ chồng anh mua nó từ ngày có điện. Theo anh Danh Hồng, ở địa bàn vùng sâu thì chiếc tivi là phương tiện hiệu quả nhất để đồng bào phum sóc giải trí cũng như nhìn ra thế giới xung quanh, nhờ nó mà kiến thức chăn nuôi, trồng trọt của anh cũng như nhiều đồng bào Khmer đã có những cải thiện rõ rệt.

Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer 4 tỉnh miền Tây Nam bộ là một dự án trọng điểm do Tổng công ty Điện lực Miền Nam thực hiện. Tại Bạc Liêu, dự án khởi công từ tháng 9/2010 và hoàn thành sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư 88,1 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 7.915 hộ dân, trong đó có 5.534 hộ đồng bào Khmer. Tại Sóc Trăng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, cấp điện cho 20.388 hộ dân; giai đoạn 2 cấp điện cho 13.181 hộ dân, hiện đang triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2014. Tại Trà Vinh, giai đoạn 1 đã hoàn thành , cấp điện cho 19.923 hộ dân; giai đoạn 2 cũng đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Tại Kiên Giang, dự án được triển khai từ 2012 và dự kiến hoàn thành trong năm 2014, cấp điện cho 8.965 hộ đồng bào Khmer và gần 3.000 hộ đồng bào dân tộc khác.

Cùng với đường sá, trường học, trạm y tế được đầu tư, nay có thêm điện lưới quốc gia đã khiến vùng sâu này đổi thay nhanh chóng. Gò Quao là địa phương chiếm gần phân nửa trong tổng số hộ đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang được thụ hưởng từ dự án này.

Với tỉnh Kiên Giang, dự án này hoàn thành đã góp phần tăng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer sử dụng điện từ 74% lên 94%. Đó là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sản xuất, đưa nông thôn phát triển toàn diện.

Ông Phạm Vũ Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Kéo điện cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer là vấn đề rất được cử tri quan tâm và đề cập đến. Điện được kéo về đã giúp giải quyết được nhiều vấn đề, an ninh xã hội tốt hơn, trình độ dân trí được nâng cao, người dân kịp thời tiếp cận được thông tin về chủ trương chính sách của Đảng. Bây giờ nông thôn cũng có internet nên, phải nói là nó mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn”.

Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30% dân số toàn tỉnh, cũng là 2 địa phương ở miền Tây Nam bộ có đông đồng bào Khmer thụ hưởng từ dự án này.

Đã qua thời nôn nao, chờ đợi từng ngày để có dòng điện đến với mỗi nhà, nhưng khi chúng tôi trở lại những Phum Sóc nơi này niềm vui có điện kéo về vẫn tươi rói như hôm qua.

Nhiều bà con Khmer ở Sóc Trăng bộc bạch niều vui khi có điện và đặt quyết tâm chăm chỉ làm ăn để vươn lên.

Ngoài 1,5 ha lúa, gia đình chị Kim Thị Oanh Ny còn nuôi thêm đàn heo hơn mười con. Nếu trước đây, chưa có điện chị phải mất cả giờ đồng hồ cho việc chăm sóc mỗi lần, nay chỉ mất khoảng 15 phút cho việc tắm tưới, chăm sóc đàn vật nuôi. Cái nhẹ công đã giúp chị cũng như nhiều hộ xung quanh mở rộng qui mô đàn gia súc.

Hơn thế nữa, việc học hành của con em và giải trí trong gia đình cũng thuận lợi hơn xưa. “Có điện rồi xem ti vi dễ, lúc nào cũng được. Các con đi học về học bài, viết bài cũng dễ hơn nhiều so với trước phải đốt đèn cóc”- chị Ny nói.

Như vậy là đã có thêm 54 ngàn hộ đồng bào Khmer trải rộng trên địa bàn 300 xã của 4 tỉnh Tây Nam bộ có điện sử dụng, như lớp phù sa bồi đắp cho vùng đất Chín rồng. Lớp phù sa ấy, dòng điện ấy cũng chính là mong muốn của Đảng, nhà nước, của ngành điện lực miền Nam trong mục tiêu đưa dòng điện quốc gia đến đồng bào vùng xa để làm hồng hào, tươi mới thêm cho vùng đất này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.