Phụ vẫn “hot”!

Phụ vẫn “hot”!
Không phải là nhân vật trung tâm của câu chuyện, nhưng nhiều nhân vật phụ trong một số bộ phim truyền hình lại ghi điểm cao trong lòng khán giả...
Phụ vẫn “hot”! ảnh 1

Diễn viên Mạc Can (ảnh trong bộ phim U6&U7): “Diễn viên không nên “phụ vai nhỏ, trọng vai lớn” lắm, vì coi vai phụ nhỏ là đã thất bại, coi trọng vai lớn quá sẽ bị khớp” . Ảnh: TT

Xem phim Cô gái xấu xí (đang phát sóng trên VTV3), một khán giả nhận xét trên một diễn đàn mạng: "Nói về nhân vật thành công thì đó là Phương Trinh: Người ai nhìn cũng ghét". Lạ!

Ghét nhưng mỗi khi Phương Trinh (người mẫu, diễn viên Phi Thanh Vân) xuất hiện với nước da ngăm đen, ăn mặc sexy, tính cách phô trương, cong cớn là một số khán giả cảm thấy thích thú hơn cả hai nhân vật chính là Huyền Diệu, An Ðông.

Lâm (ca sĩ, diễn viên Minh Thuận) - bạn thân của Huyền Diệu, cũng không lẫn vào đâu bởi cách ăn mặc hơi quái với mốt carô "trên từng cây số".

Còn xem phim Một ngày không có em (vừa phát sóng trên HTV7), khán giả khó mà quên anh chàng "ăn chè cho mập" Nhiên - nhân vật do diễn viên Hải Hùng đảm nhiệm. Mỗi lần nhìn thấy Nhiên xuất hiện là khán giả bật cười với vẻ "con nít" trong vỏ bọc người lớn, nói năng ngô nghê của Nhiên. Cư dân mạng đã tặng anh "điểm 10 cho chất lượng". Khi nhân vật Nhiên không còn, không ít người tỏ ra tiếc nuối cho bộ phim.

Tương tự, anh chàng si tình Thông "heo" do diễn viên Quyền Linh đóng cũng được chú ý. Trên kịch bản giấy, ban đầu nhân vật này "chiếm đất" khá ít, nhưng Quyền Linh đã diễn quá nhuần nhuyễn khiến nhà làm phim không ngần ngại quyết định kéo dài "sự sống" cho Thông "heo" đến những tập cuối cùng.

Hay như trong phim Tình yêu pha lê (từng phát sóng trên HTV7), ca sĩ Thanh Ngọc lần đầu tiên đóng phim lại nổi trội trong vai bé Thy nghịch ngợm, trẻ trung.

Diễn viên Mạc Can thì rất duyên trong vai ông già tếu táo, ưa xức dầu trong phim U6&U7 (HTV9).

Với lối diễn xuất tưng tửng, chân chất, anh chàng Hiều (diễn viên Hiếu Hiền) lùn, mập ú, chạy xe đạp gắn những chiếc chong chóng đủ màu sắc trong Bỗng dưng muốn khóc (VTV1) đang "nổi như cồn" bên cạnh hai nhân vật chính, dù cũng có khán giả khó tính phiền trách về lời ăn tiếng nói...

Có nhiều lý giải cho sự thành công của các nhân vật phụ trong phim Việt thời gian qua. Ðó là các nhà sản xuất phim, đạo diễn đã chăm chút hơn cho các vai phụ khi nhận ra "sức nặng" của các nhân vật này. Một số hãng phim còn chọn các diễn viên kỳ cựu vào các vai phụ với mục đích "bao sân", nâng đỡ tuyến nhân vật chính.

Các diễn viên - nhất là diễn viên trẻ, dần thay đổi quan điểm chỉ thích chính, "khinh" phụ như trước đây. Hỏi Mạc Can ông có buồn không khi được mệnh danh "người chuyên trị vai phụ", ông cười đính chính: "Tui đã có hai vai chính trong phim Cải ơiXóm Suối Sâu... rồi à nghen. Nhưng nói thiệt, khi được đạo diễn mời vào vai phụ tui vẫn cảm thấy rất vinh dự". Ông ví von: "Như trong bóng đá, vai phụ chỉ có một dịp làm bàn, còn vai chính có nhiều cơ hội hơn để sút bóng. Vai nào cũng có những thử thách riêng".

Hiếu Hiền lại giải thích về "điểm cao" của vai Hiều rất đơn giản: "Với tôi, "đẹp trai là xa xỉ" nên khó vào vai chính được. Vì thế tôi sẽ cố gắng diễn xuất hết mình trong những vai phụ. Nếu mình diễn tốt thì khán giả vẫn nhớ mình thôi".

Nhìn chuyện vai chính - vai phụ với con mắt của một người trong nghề, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thẳng thắn: “Nhân vật phụ thường dễ viết hơn bởi xuất hiện ít hơn và có tính cách đặc trưng. Có khi chìm khi nổi nên dễ nhớ.

Còn nhân vật chính trải dài qua nhiều tập. Nếu người viết không tìm ra được những tình huống để phát triển những mâu thuẫn, nhân vật chính sẽ nhàm chán, không sống động, lung linh.

Mặt khác, theo đường dây kịch bản, nhân vật phụ “ngắn” nên dễ kiểm soát, còn nhân vật chính “trải dài” nên không kiểm soát hết được. Theo tôi, một bộ phim mà nhân vật phụ nổi trội hơn nhân vật chính thể hiện bản thân người viết không làm chủ trọng tâm của kịch bản, kiểm soát nhân vật không tốt”.

Theo Hoàng Lê
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG