Phụ thuộc

Phụ thuộc
TP - Cải thiện chất lượng tăng trưởng, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm chi tiêu công, thúc đẩy bộ máy sản xuất, tạo cơ chế cho doanh nghiệp trong nước phát triển… những lời khuyên/khuyến cáo quen thuộc được nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tư vấn/chia sẻ cho Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhưng sau mỗi lời tư vấn vẫn là những trăn trở vì sao mọi thứ không thay đổi được như kỳ vọng dù quyết tâm rất nhiều, nỗ lực cũng không phải ít. Lỗi hệ thống từ đâu ra mà tăng trưởng Việt Nam sau nhiều năm đến nay vẫn bị đánh giá chưa bền vững. Các báo cáo mỗi năm vẫn thể hiện những con số rất lớn cho thấy cân bằng trong thu chi ngân sách vẫn luôn là áp lực. Tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dựa vào khai thác thêm tài nguyên để đảm bảo tốc độ GDP có giảm bớt nhưng vẫn tiếp diễn như nhiều năm trước đây.

Mỗi kỳ Quốc hội, nhiều đại biểu vẫn lên tiếng về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp của Chính phủ đưa ra vẫn luôn bị coi là giải pháp ngắn hạn. Băn khoăn của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31/10 về việc “Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III vừa qua và Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến” khiến nhiều đại biểu không khỏi suy tư.

Lời cảnh báo về một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI sẽ kéo theo những bất ổn đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đưa ra trong vài năm trở lại đây. Thực tế, dù vào Việt Nam đã nhiều năm, được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hầu như các doanh nghiệp trong nước không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp FDI cũng như không hình thành được chuỗi cung ứng cho các tập đoàn có quy mô toàn cầu.

Những con số, bảng vàng thành tích về xuất khẩu tăng trưởng qua mỗi năm mà một số bộ ngành như Công Thương, NN&PTNT luôn coi đó là một tiêu chí quan trọng để báo cáo với Chính phủ mỗi cuối năm hoặc trước các kỳ họp Quốc hội sẽ trở thành không mấy ấn tượng khi mổ xẻ chi tiết các giá trị mà nền kinh tế, doanh nghiệp Việt thu được. Đến nay, mới chỉ có 5% công nghệ cao được chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam, 15% là công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông. Điều này khiến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ tạo ra 20% giá trị gia tăng và giá trị nội địa chỉ chiếm đến 10%.

Hệ lụy hay nói cách khác ảnh hưởng từ việc kinh tế phụ thuộc khối FDI cũng đã được chứng minh gần đây qua việc Samsung gặp sự cố với sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 khiến tăng trưởng của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ngay trong quý sau đó.

Một nền kinh tế sẽ phát triển bền vững nếu biết tận dụng đồng thời nguồn lực đầu tư và “chất xám”- công nghệ từ những người khổng lồ FDI đi trước để thúc đẩy sự phát triển của các khối doanh nghiệp, cụm sản xuất trong nước. Vòng xoáy doanh nghiệp vệ tinh trong nước và sức lan tỏa của vốn đầu tư FDI sẽ làm nốt phần việc còn lại. Khi đó, tăng trưởng mỗi quý, mỗi năm sẽ không còn là vấn đề quá bí bách khi trục sản xuất - tiêu dùng trong nước được duy trì cân bằng. Nền tảng phát triển kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn và ít chịu tác động sổ mũi hơn khi có nền sản xuất, thương mại và dịch vụ thực. Những giá trị ảo từ dịch vụ gia tăng làm thuê sẽ không là động lực để đất nước có sự đột phá trong bối cảnh mọi nền kinh tế có sự giao thoa và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế và sản xuất.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.