Không thể ngờ, một ngày giữa đời thực lại có những con người như thế. Một người đàn ông, ở Cần Thơ, là kỹ thuật viên ngành y, vừa tự tháo khớp rời chân mình. Một cách đầy tự nhiên, khoái cảm. Không vì lý do gì.
Giới y học nhanh chóng vào cuộc, khẳng định đây là một loại bệnh, có tên khoa học “rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID). Một hội chứng kỳ lạ, khi những người này luôn cảm thấy nhiều bộ phận trên cơ thể mình là “thừa thãi”! Khi cắt bỏ chân, tay mình, đương sự không có cảm giác đau đớn.
Đáng nói, những người mắc hội chứng BIID hoàn toàn không có vấn đề gì về thần kinh. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Duy chỉ có áp lực công việc, gia đình khiến họ bị stress, trầm cảm và mất tự tin về bản thân. Chỉ khi vứt bỏ những bộ phận trên người mình, họ mới có thể tự tin trở lại!
Hội chứng BIID lần đầu tiên được y học thế giới tiếp cận năm 2005. Còn ở ta, thật không ngờ, hiện có đến 4% dân số có sở thích “phóng sinh thân thể”!
Đêm qua, đọc lại Nguyễn Huy Thiệp. Đọc “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”. Đó là khi viết cái bài về mấy đứa nhỏ ở Hà Nội, được bố chở đi học, vừa ngồi trên xe máy vừa xúc cơm cho kịp giờ. Bèn liên tưởng tới cái nhan đề truyện của Thiệp.
Trên đời này, chúng ta luôn phải vừa...vừa (vừa thế này vừa thế kia).
Là lỗi của con người, hay Thượng đế, khi chúng ta phải sống vừa phải thế này, lại vừa phải thế kia? Không nói về bổn phận, nghĩa vụ, mà như là sự cắt dán, lồng ghép thân phận, nhân cách. Để ta không phải chính ta.
Cũng lại Thiệp. Tiếng kêu hoang mang của ông “Tướng về hưu”: “Sao tôi cứ như lạc loài”. Trong phần ghi chú về truyện này, nhà văn kể, trong bản thảo đầu tiên: “Cha tôi bảo: Sao tôi cứ như lạc loài? Tôi nghĩ: “Sao tôi cũng như lạc loài?”.
Ừ, tất cả chúng ta đều lạc loài.
Và giờ đây, chúng ta đang xa lạ với chính cơ thể của mình.