Tìm hiểu thêm, mới hay đây là một trong những bãi biển đẹp nhất vịnh Bắc bộ, nằm ở cửa ngõ Tiền Hải, Thái Bình. Đây còn nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận…
Lần đầu tiên làm quen với một người đẹp, trong bộ dạng xộc xệch, xấu xí không được che đậy của họ, thật đáng tiếc. Nhưng là tiếc cho chính hành vi không đẹp của con người chúng ta – những chủ nhân và những ai tìm đến thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ của bãi biển ấy. Chứ biển không hề có lỗi.
Còn hơn cả sự tiếc nuối, đó là nỗi đau khó nguôi ngoai. Khi hình ảnh tương tự như ở Cồn Vành đã và đang trải dài nhiều bãi biển cả nước, nhất là trong và sau mỗi kỳ nghỉ lễ. Con người đến lúc còn không hiểu giá trị của sự tử tế trong mỗi hành vi của mình chăng?
Giữa bộn bề rác - biển, người ta lại nhắc chuyện của ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn chưa tách tỉnh QN-ĐN. Suốt chục năm trời ông lão một mình cặm cụi đi nhặt rác trên bãi biển trước cửa nhà. Cho đến ít năm trở lại đây, ông hầu như “thất nghiệp”, khi bãi biển Đà Nẵng trở nên sạch bóng.
Việc làm tử tế với biển và môi trường của một cá nhân, cũng chỉ mang ý nghĩa của một biểu tượng nho nhỏ trong một phạm vi hẹp. Còn cái chính là ý thức của cả cộng đồng. Sở dĩ bãi biển như Đà Nẵng sạch sẽ, bởi chính quyền và người dân thành phố này muốn người dân và du khách được đối xử như NHỮNG CON NGƯỜI. Là con người, sẽ không khi nào tắm táp, thư giãn ngay giữa đống xú uế do chính mình thải ra !
Có thể số đông những người xả rác ra biển kia, cũng chính là những người giữ gìn sạch sẽ như lau như ly ngôi nhà, căn phòng của mình. Và họ có thể cũng đang tranh thủ các diễn đàn xã hội để than thở, trách móc, đòi hỏi, lên án vụ cá chết hàng loạt ven biển miền Trung.
Cuộc sống không thể lầy lội giữa người và rác, tất nhiên. Còn con người, cũng không thể mâu thuẫn giữa ý thức và hành động. Khi ý thức là một vũng lầy, thì mỗi hành động đều thải ra rác rưởi, chứ không thơm tho như những gì được nói ra…