Phòng khám của những phận đời ngang trái

Phòng khám thân thiện dành cho những phận đời ngang trái.
Phòng khám thân thiện dành cho những phận đời ngang trái.
TP - Phòng khám đa khoa Galant là địa chỉ để những người phụ nữ hành nghề bán dâm, người mắc bệnh xã hội và người chuyển giới lui tới. Ở đó, họ nhận được lời tư vấn, sự chăm sóc ân cần, và cả sự sẻ chia với những tâm sự thầm kín nhất…

Phòng khám Đa khoa Galant (119 Trần Bình Trọng, Q.5) trong cơn mưa tầm tã buổi chiều muộn vẫn có khá đông bệnh nhân.

Cầm tờ giấy xét nghiệm kết quả dương tính với virus HIV của bệnh nhân N.V.T, anh Nguyễn Văn Quý (tư vấn viên) trấn an T. không nên tuyệt vọng, bởi HIV có thể điều trị, người nhiễm vẫn có thể lấy vợ sinh con… “Nhiều bạn sốc khi biết đã nhiễm “H”, mình không chỉ động viên, tư vấn mà còn theo suốt họ trong quá trình dùng thuốc điều trị ARV, chăm sóc sức khỏe, cách tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ những người xung quanh” – Quý nói.

Quý là thành viên của tổ chức G3VN (một tổ chức dựa vào cộng đồng, tham gia can thiệp dự phòng HIV/AIDS). Quý kể, nhiều bệnh nhân đến đây xét nghiệm mới biết mình nhiễm “H”. Điều họ lo lắng nhất là làm sao nói với những người trong gia đình. Và Quý đến tận nhà động viên gia đình đi xét nghiệm.

Đỗ Thụy An My là trưởng nhóm công tác xã hội Hoa Cát Tường (có chức năng tiếp cận, giúp đỡ các cô gái mại dâm và người nhiễm HIV), từng tiếp xúc với không ít gái mại dâm bị nhiễm HIV. Cô kể rằng, những buổi đầu tiếp xúc, bệnh nhân thường tỏ ra căng thẳng, sợ sệt, thậm chí còn từ chối hợp tác chăm sóc, điều trị. Để họ bình tâm trở lại với cuộc sống bình thường, My đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm cách thuyết phục để họ có thể trò chuyện cởi mở…

Còn Mia Nguyễn vốn là chuyên gia ngành tâm lý học từng làm việc ở Australia. “Khách hàng” của cô có khá nhiều là người chuyển giới hành nghề mại dâm. Trước một cô gái xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, luôn sẵn sàng lắng nghe “tất tần tật” mọi thứ, những người chuyển giới đều sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện đầy uẩn ức trong cuộc sống của mình, kể cả chuyện bị “khách làng chơi” bạo hành bằng những “trò” quái chiêu đầy thú tính. Với từng ca, Mia đều đưa ra những lời tư vấn kịp thời, đúng lúc. Cô còn cung cấp cả những địa chỉ, số điện thoại để “khách hàng” có thể cầu cứu một khi bị bạo hành. Cô còn chia sẻ cả địa chỉ Facebook để những người này có thể nhờ trợ giúp vào bất cứ lúc nào cần thiết.

Phòng khám thân thiện

Phòng khám Đa khoa Galant do 5 tổ chức cộng đồng trên địa bàn TPHCM lập nên. Đó là G3VN, Sắc màu cuộc sống, Aloboy, Vượt sóng và Nụ cười. “Người chuyển giới, người mắc các bệnh xã hội thường rất e ngại đến phòng khám công, bởi họ sợ ánh mắt dè biểu, kỳ thị. Họ tự tìm cách điều trị bệnh hoặc tìm đến phòng khám không đủ điều kiện, để bệnh càng trầm trọng và lây lan. Vì thế chúng tôi quyết tâm mở một phòng khám thật thân thiện, cởi mở, với bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp họ an tâm điều trị bệnh khi mới phát hiện” - anh Đỗ Quang Kháng - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Galant nói.

Đây cũng là phòng khám đầu tiên và duy nhất hiện nay tại TPHCM có phòng tư vấn riêng cho người chuyển giới. Đa số người nam muốn chuyển thành nữ hầu như chưa biết họ phải bắt đầu từ đâu, phải trải qua những đau đớn như thế nào, những tai biến có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Đó là chưa kể sau chuyển giới, họ làm gì để hòa nhập cộng đồng… “Đa số người chuyển giới đều chỉ nghĩ đến việc nâng ở đâu, cắt ở đâu cho cơ thể hoàn toàn giống nam hoặc nữ thì là chuyển giới. Nhưng thực tế, chuyển giới là hãy sống thật với giới tính của mình, chứ không phải là thay đổi ngoại hình bằng dao kéo. Nhiều ca đến đây, chúng tôi tư vấn và họ đã thay đổi ý định chuyển giới bằng phẫu thuật, thay vào đó là sống bằng giới tính của mình, không giấu giếm hay mặc cảm như trước” - anh Kháng cho hay.

Hiện nay, phòng khám đã có tám bác sĩ cộng tác, làm việc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Phòng khám được hình thành dựa trên mô hình hoạt động xã hội nên hoạt động tư vấn sẽ luôn miễn phí, chi phí điều trị bằng hoặc thấp hơn các phòng khám và bệnh viện. Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 3 tháng, nhưng hiện giờ, mỗi ngày phòng khám đón khoảng từ 30 - 40 bệnh nhân, trong đó 70% thuộc các nhóm gái mại dâm, người nhiễm HIV và người chuyển giới. “Đôi khi mình nghĩ, làm nghề này thì không ai dám khám bệnh cho mình. Có bệnh thì chết thôi. Một lần, người bạn cùng nghề giới thiệu Galant, tôi tò mò đến… thử. Không chỉ được thăm khám, hơn thế nữa là mình được sẻ chia, được dạy nhiều thứ khác. Hy vọng mô hình này được mở rộng để các nhóm yếu thế trong xã hội được tiếp cận y tế dễ dàng hơn” - T.H - một cô gái hành nghề “bán hoa” nói.

MỚI - NÓNG