Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hoài Văn |
Chiều 11/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc Tổ công tác số 1 về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 gồm TT Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
3/5 tỉnh, thành giải ngân trên mức trung bình của cả nước
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), tổng kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024 được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 677.944,639 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 245.595,739 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.348,9 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung thông tin tại buổi làm việc. |
Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương. Đến ngày 30/9, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 665.199,9 tỷ đồng, đạt 98,1%.
Tình hình giải ngân ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9 là 320.566,5 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước.
Trong số 5 địa phương có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, còn lại Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Chi tiết tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN của 5 địa phương: Tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao (đạt 58,47%); Thành phố Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng (đạt 48,27%); Tỉnh Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng (đạt 40,99%); Tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng (đạt 33,40%); Tỉnh Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng (đạt 69,37%).
Các địa phương báo cáo Phó Thủ tướng về công tác giải ngân vốn đầu tư công. |
Các địa phương nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; Người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất. Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới.
Ngoài ra, có nguyên nhân liên quan tới năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu; khó khăn về thiếu đất đắp nền và cát xây dựng. Tính đặc thù của các tỉnh duyên hải miền Trung: Các tháng cuối năm ở miền Trung thường là mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh nguyên nhân vướng mắc về cơ chế thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, việc Quảng Nam 7 tháng khuyết lãnh đạo tỉnh, kể cả giám đốc sở Xây dựng, TN&MT đều là những đơn vị quan trọng trong khâu giải ngân cũng chậm kiện toàn, điều này cũng có ảnh hưởng. Có tâm lý của đội ngũ cán bộ chưa dám làm, sợ sai.
Gỡ vướng, nỗ lực để về đích
Các địa phương đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Các nội dung liên quan tới các quy định của Luật Đầu tư công như quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, tách dự án GPMB, phân cấp thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn NSĐP hằng năm… Theo Bộ KH&ĐT, các nội dung này đã được nghiên cứu và sửa đổi trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai như sự không thống nhất trong xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất; chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của nhà nước với giá thị trường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… Các nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tại Luật Đất đai 2024 và các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật.
Theo Bộ KH&ĐT, nhìn chung nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương làm rõ trong thực tế trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn thế nào, giải quyết ra sao, những hiến kế để thúc đẩy công tác giải ngân làm sao về đích như kế hoạch.