TPO - Ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020. Cùng dự có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Cùng dự có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Chương trình năm nay tuyên dương các các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...;có thành tích trong công tác được chính quyền, phụ huynh học sinh và nhân dân ghi nhận.
Chương trình năm nay tuyên dương các các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...;có thành tích trong công tác được chính quyền, phụ huynh học sinh và nhân dân ghi nhận.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình đã nhận được 82 gương giáo viên từ các tỉnh thành và các tổ chức giới thiệu. Hội đồng xét chọn đã lựa chọn ra 63 gương giáo viên thuộc 26 dân tộc thiểu số tiêu biểu.
Hội đồng xét chọn đã lựa chọn ra 63 gương giáo viên thuộc 26 dân tộc thiểu số tiêu biểu. Cụ thể, có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người dưới 10.000 người gồm: Bố Y, Lô Lô, La Ha, Sách (Chứt); 57 giáo viên còn lại đến từ 22 dân tộc thiểu số.
Giáo viên nhiều tuổi nhất là thầy giáo Thạch Bình Thanh (SN 1969, dân tộc Khmer) trường Tiểu học Thạch Thía, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long và cũng là người có thời gian công tác lâu năm nhất 33 năm 5 tháng. Người trẻ tuổi nhất là cô giáo PiNăng Thị Hải (SN 1996, dân tộc Raglai) trường Mầm non Phước Bình, Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận
Tại buổi gặp, các giáo viên được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020 đã chia sẻ quá trình công tác và những tâm tư, nguyện vọng để sẻ chia với khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng cao, vùng sâu. Trong ảnh, cô giáo PiNăng Thị Hải - gương trẻ tuổi nhất trong chương trình đã chia sẻ về điều kiện khó khăn của cô và trò ở Phước Bình. Cô bày tỏ mong muốn có thêm sự quan tâm, đầu tư công trình lớp học, nhà vệ sinh, cũng như nâng cao chất lượng bữa ăn cho học trò của nhà trường nói riêng và ở Bác Ái nói chung.
Chia sẻ tại chương trình, cô giáo A My Á (dân tộc Chăm) cho rằng những khó khăn của bản thân trải qua chưa là gì so với những thầy cô giáo ở đây. 16 năm gắn bó với nghề giáo, cô đã có 9 năm dạy ở điểm trường phụ cách nhà hơn 30km; dạy tiếng phổ thông cho học sinh cũng như nhiều phụ huynh người đồng bào dân tộc Chăm.
Cô giáo mầm non Phùng Thị Thủy (dân tộc Thái) đã nhiều năm dạy ở điểm trường Buôn En - điểm trường khó khăn nhất của trường mầm non Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Buôn En cách trung tâm xã 13km, đường đất; chưa có điện, sóng điện thoại; phần lớn là người dân tộc Cống. Để liên lạc về với gia đình cô phải sử dụng sim của Lào và hòa mạng quốc tế; thời gian đầu cước điện thoại cao chỉ có thể gọi điện mỗi tuần một lần về nhà... Khó khăn là vậy, nhưng cô vẫn bám trường bám bản để nuôi dạy các em.
Thầy giáo Danh Anh Võ (dân tộc Khmer) dạy ở trường THCS và THPT Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang. Anh Võ chia sẻ về những khó khăn về thiếu nguồn nước sạch ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của thầy và trò nhà trường, cũng như đồng bào tại địa phương.
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở và gần gũi, các đại biểu và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có sự chia sẻ, trao đổi ngay để làm rõ nhiều khó khăn, vấn đề và những nhu cầu bức thiết phục vụ công tác dạy và học của các giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những chia sẻ về khó khăn, vất vả trong điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt và sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình công tác của các thầy cô tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong các vấn đề cụ thể như cơ sở vật chất của trường lớp; điện, nước, sóng điện thoại; bữa ăn đủ dinh dưỡng; nhà vệ sinh; giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc...
"Tôi mong muốn 63 thầy cô giáo được tuyên dương dịp này trở thành những vị đại sứ đầu tiên của chương trình vận động, nêu lên các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ. Trong ảnh, Phó Thủ tướng tặng quà gương giáo viên trẻ nhất trong chương trình.
Phó Thủ tướng tặng quà thầy giáo Thạch Bình Thanh (SN 1969, dân tộc Khmer) trường Tiểu học Thạch Thía, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long, người có thời gian công tác lâu năm nhất trong số các giáo viên tham dự chương trình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, kiên trì trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em tới trường, duy trì việc học tập. Phó Thủ tướng và các đại biểu, 63 thầy cô giáo chụp ảnh lưu niệm.