Phố Tây

Cảnh phố Tây ba lô
Cảnh phố Tây ba lô
TP - Nếu phố Tây ở Hà Nội nằm khu trung tâm với nhiều quán xá đẹp, đắt đỏ, hàng hóa được giá thì ở Sài Gòn phố Tây là những con phố nằm khá khiêm tốn sau công viên và giá cả lại rẻ hơn những quán dành cho người Việt.

“Vương quốc” của Tây ba lô

Một vài so sánh nhỏ, du khách đến cố đô Huế thường khá cao tuổi, khách Tây ở Hà Nội phần nhiều là trí thức, nghệ sĩ, thương gia, các nhà ngoại giao và cả những nhà giáo dục. Còn khu phố Tây ở Sài Gòn đúng nghĩa là khu “Tây ba lô” và họ phần nhiều là những du khách rất trẻ, sinh viên.

Thường thì quán xá dành cho người Việt Nam đóng cửa trước nửa đêm, còn ở phố Tây Sài Gòn thì khái niệm đêm và ngày khó phân biệt. Tôi và dịch giả Bá Anh đã chọn một quán cà phê ở phố Tây để xem trận chung kết cúp C1 tại đây lúc 2h45. Khung cảnh có lẽ chẳng khác gì ở châu Âu khi trên màn hình là hai đội bóng châu Âu còn khách trong quán, trừ hai chúng tôi, còn toàn bộ là người Âu đi du lịch. Một số họ ủng hộ câu lạc bộ của Đức, phần nhiều đứng về phía câu lạc bộ của Anh. Các khách Tây rất phấn khích trước các pha bóng và bình luận sôi nổi. Còn gì hợp lý hơn với giá đồ uống một chai bia chỉ vỏn vẹn 1 USD để xem trận chung kết như vậy.

Những con phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám có nhiều nhà nghỉ bé xíu với giá rẻ tới mức người ta có thể thuê chúng cả tháng. Một số sinh viên Việt Nam thậm chí cũng thuê phòng ở khu này cùng với các giáo viên dạy tiếng Anh người nước ngoài đến Việt Nam tìm việc. Họ đều chỉ ngoài 20 tuổi. Những thử nghiệm ở đất nước mới mẻ rất hấp dẫn và người ta cảm thấy nơi đây như một hợp chủng quốc, rất thoải mái và phù hợp cho những thanh niên đang đầy háo hức khám phá.

Cộng sinh

Người Việt làm đủ thứ để mưu sinh ở phố Tây, chẳng hạn bán cà phê, quán cơm bụi, cho thuê nhà trọ, làm hướng dẫn viên du lịch, bán quà lưu niệm, tổ chức “tua” du lịch, thậm chí có cả gái bán dâm... Một số bị bắt vì trộm cắp. Đôi khi người bán đồng hồ chào với tôi sản phẩm của một tên đạo chích nào đó chôm được của du khách với giá rẻ mạt. Song, phố Tây lại cũng là nơi mưu sinh của những vị khách Tây ba lô. Những người này tụ tập lại với nhau, uống bia giải khuây và tìm các cô gái Việt Nam…

Đó không phải là tất cả. Một số du khách đã có công việc tại Việt Nam, thậm chí sau một thời gian, họ sắm xe hơi và đi lại trong khu phố Tây như những ông chủ. “Họ làm chủ shop quần áo - một vài người nói với tôi- làm ăn rất phát đạt”. Một vài giáo viên tiếng Anh đeo kính dày cộp, đi xe máy thành thạo và chở theo cô vợ Việt Nam mà anh ta may mắn kiếm được. Chiều ngược lại, vài cô gái Tây đã kịp yêu anh chàng người Việt Nam và bắt đầu nói những từ tiếng Việt lơ lớ.

Một người bạn giới thiệu cho tôi một họa sĩ nghiệp dư người Algenra. Anh này có bố mẹ làm công chức, nhưng thích tự do, đã sang Việt Nam vẽ thuê ở phố Tây để kiếm sống. Một cái quán khá đẹp, ông chủ là người ngoại quốc, không biết đã ở Việt Nam bao năm. Ông ta xem việc kinh doanh là một công việc nghiêm túc nên đã tự tay quản lý cái quán cho đến khi trở về nước.    

Ấn tượng méo mó

Buổi chiều, khi bạn đi qua phố Tây, bạn sẽ thấy đông nghẹt và tắc đường diễn ra chẳng kém gì phố Việt. Khách Tây đổ ra đường uống bia, tán gẫu. Vài cô gái chỉ cho tôi một cô gái Việt Nam đẹp, cao ráo: “Chỉ cần 50 USD cô ta sẽ đi theo bất kỳ ai”. Tôi cảm thấy có điều gì đó nghèn nghẹn nơi cổ, bởi cô gái thật xinh đẹp và nom khá sang trọng. Cô gái đến ngồi với tôi và chứng tỏ sự chuyên nghiệp của mình bằng việc móc ví của mình ra… 5 bao cao su: “Mọi thứ đều sẵn sàng”.

Tôi nói với anh bạn Algenra vẽ tranh rằng, anh nên đi nhiều nơi hơn trong thành phố này, đi các tỉnh nữa. Bởi, nếu anh cứ ở mãi trong khu phố Tây thì anh chỉ thấy một cái góc méo mó của thành phố này, với những cô gái đeo theo du khách hoặc ngập ngụa trong rượu, đánh ghen với những ông bồ ngoại quốc. Anh sẽ thấy ở đây chỉ có những bức tranh được sao chép lại cẩu thả. Anh sẽ chỉ thấy những kẻ móc túi bị công an bắt. Anh bạn kia gật đầu: “Tôi hiểu. Nhưng ở đây tất cả đều thông cảm cho những sinh viên nghèo như tôi và mọi người đều biết tiếng Anh!”. Anh ta giải thích như vậy.

Một chiều ngược lại, vài người thực sự bày tỏ sự ngán ngẩm với những anh chàng Tây ba lô gạ kiếm tiền bằng cách “đi khách” với những nữ du khách châu Âu. Họ nhận được những cái lắc đầu. Đôi khi xuất hiện những đám trộm cướp lừa đảo từ nước ngoài đến hoạt động và  bị tóm gọn. Nhưng Tây ba lô không hẳn chỉ có vậy. Nếu ta bước chân ra vài con phố khác, sẽ thấy những người Tây khác hẳn. Chẳng hạn nhạc sĩ Dương Thụ đã tìm thấy một cô ca sĩ hát nhạc jazz hằng đêm rất nổi tiếng người Philippine và lập tức mời cô hát cho một đĩa CD của mình. Cô này có chồng làm thương gia và cô theo chồng sang Việt Nam. Trong quán nhạc Jazz ở gần chợ Bến Thành của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, tôi cũng gặp một nữ ca sĩ người Mỹ được đánh giá là nằm trong top 40 của thế giới.

Tương lai nào cho phố Tây?

Phố Tây ảnh 1

Tác giả và một ca sĩ Mỹ Melanie Wallace hát và dạy tiếng Anh tại Sài Gòn

Phố Tây ở Sài Gòn có chút gì đó vương hình ảnh của một thời Sài Gòn tràn ngập lính Mỹ. Một người dân ở khu phố Tây nói với tôi rằng, nơi này trước 1975 tràn ngập gái, rượu, xì ke. “Ngày nay, nó đã văn mình hơn trước rất nhiều rồi đấy” – người chủ quán nói. “Ngày nay chúng ta đã có nhiều công cụ điều tiết, hạn chế và họ phải tôn trọng chúng tôi hơn” – một người già cho biết.  Với những vị khách không mấy lịch sự, thậm chí say xỉn, lập tức được mời ra khỏi quán, thậm chí cấm cửa.

Một cô gái lấy chồng ngoại quốc, sau tan vỡ hôn nhân, trở về quê nhà và thường tìm vui ở phố Tây. Cô ta nói: “Những ông khách châu Á thường gạ gẫm tôi đi chơi với họ, nhưng ông ta rất nhầm, chúng tôi không làm những chuyện ấy. Chúng tôi tới đây với đám bạn, đôi khi uống rượu rất nhiều, nhưng chúng tôi trở về nhà và không bao giờ đi chơi với họ”. Cô nói rằng đôi khi cô cũng xấu hổ vì bị hiểu nhầm khi vào trong quán bar, song với cô thì điều đó cũng là chuyện bình thường phải chấp nhận.

Trong phố Tây, cũng có một hiệu sách, bán nhạc cụ. Chúng hiện diện khá là lạc lõng với khung cảnh xung quanh đều là quán cà phê, những quán gội đầu, quán nhậu. Hiệu sách khá vắng, nhưng nó cũng khiến bước chân những du khách ngổ ngáo tự dưng ngập ngừng. Đôi khi họ cũng gặp bên hè phố những nghệ sĩ Việt Nam, vài nhà thơ, một câu lạc bộ xe cổ, hay những nhà báo say nghề.

Phố Tây ảnh 2

Tôi và vài người bạn vẫn chọn cách thư giãn bằng cách vào phố Tây uống cà phê xem bóng đá đêm. Cuộc sống vẫn vậy thôi, có những cô gái hám tiền sẵn sàng leo lên tắc xi đi chơi với khách. Bên kia đường vẫn có những người bán từng ổ bánh mì kiếm từng xu. Có những quán cà phê hàng chục cô gái ăn mặc hở hang nhưng cũng có những quán cà phê có dăm bảy cô tuổi đã gần ba mươi mà chưa biết đến một nụ hôn.

Phố Tây hiện diện ở nơi đó, giữa Sài Gòn sau 40 năm giải phóng, với những gallery tranh ấn tượng, những hình ảnh các ca sĩ nhạc rock những năm 1970, những đồ kỷ niệm như tấm thẻ bài của lính hay chiếc bật lửa bằng kim loại. Song giờ đây, khách phần lớn trạc tuổi đôi mươi. Với họ, chiến tranh đã lùi xa. Các bạn trẻ kiếm tìm ở đây một Việt Nam đang vươn lên cho một tương lai phía trước và họ cũng nhận được những sự chia sẻ của các bạn trẻ Việt Nam trong những quán cà phê mà số khách Việt và khách Tây đông như nhau.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.