Phố cổ sau 0 giờ

Một quán bar trên phố cổ vẫn sôi động sau 2 giờ các tối cuối tuần. Chỉ tạm đóng cửa khi có lực lượng cảnh sát xuất hiện
Một quán bar trên phố cổ vẫn sôi động sau 2 giờ các tối cuối tuần. Chỉ tạm đóng cửa khi có lực lượng cảnh sát xuất hiện
TP - Sau 2 năm thí điểm cho phép kinh doanh ở phố cổ đến 2 giờ sáng, đã đến lúc Hà Nội cần có biện pháp quản lý để khắc phục những bất cập.  

Phố không ngủ

Phố cổ Hà Nội vốn là nơi tập trung khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Vào các tối cuối tuần, không gian đi bộ chỉ thực sự sôi động từ 22 giờ trở đi, các tuyến phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Mã Mây… đông nghẹt du khách.

Phố cổ thường có 2 loại quán bar: “Bar Tây” và “Bar Việt”. Những quán bar Tây với đặc điểm là không gian mở, du khách có thể ngồi cả ngày chỉ với 1 chai bia. Số còn lại là bar Việt với không gian kín, nhạc mạnh, thường các tụ điểm này uống rượu mạnh …

Nếu không đến phố cổ ban đêm, ít người có thể tưởng tượng một khung cảnh “phố không ngủ” tại đây sau 0h. Đây là thời điểm những quán bar mở nhạc hết công suất, cùng những du khách đã thấm men rượu. 1 giờ sáng cuối tuần đầu năm 2019, trước cổng một quán “bar Tây” bỗng có những tiếng hò hét, một thanh niên nước ngoài cởi trần chạy ra trước cửa quán hát vang. Không để “đồng đội” một mình, chỉ vài phút sau, khoảng chục thanh niên nước ngoài khác cũng chạy ra ngoài, khoác vai nhau thành vòng tròn hát vang bài hát cổ vũ cho một đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh.

Không chỉ du khách nước ngoài “quậy”, các quán bar chủ yếu khách Việt cũng không phải ngoại lệ. 2 giờ sáng tối thứ Bảy (19/1), một chiếc xe cảnh sát 113 hú còi vang đỗ trước cửa quán  bar trên phố Mã Mây để giải tán tốp khách say xỉn đang có tranh cãi. Thời điểm này, các xe công an phường bắt đầu đi “quét” một lượt các địa điểm kinh doanh yêu cầu đóng cửa.

Tuy nhiên, có quán bar chấp hành, có quán kéo cửa đối phó, khi xe phường đi qua lại tiếp tục mở nhạc ầm ĩ. Một số quán ăn trên phố cổ ở Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây… vẫn mở cửa đón khách chủ yếu từ các quán bar đi ăn đêm. Bàn ghế được kê thẳng ra vỉa hè, khách đa số đã say xỉn hò hét ầm ĩ khiến cho nhiều cư dân bất bình.

Bà Nguyễn Thị Dung (14 phố Lương Ngọc Quyến) cho biết, mỗi tối cuối tuần với cư dân là “cực hình”, vì âm thanh chát chúa từ quán bar The Opera bên cạnh. Vốn là rạp hát bỏ hoang, quán bar được cải tạo lại trở thành một sàn nhảy. Những tiếng bass nặng chịch, tiếng nhạc chát chúa khiến những khung cửa sổ nhỏ rung bần bật.

Theo người dân sinh sống xung quanh phố Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, kèm theo tiếng ồn của nhạc là tiếng còi xe máy, ô tô, tiếng cãi nhau của khách hàng bị say xỉn. Ngoài ra, còn có tình trạng xe máy, ô tô để tràn xuống lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Hạn chế mức thấp nhất tiếng ồn

Không chỉ tại phố cổ, khu vực quanh phố cổ cũng có những tụ điểm xin cấp phép hoạt động đến 2 giờ sáng. Như tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), đại diện UBND phường cho biết, địa bàn có 11 quán karaoke được cấp phép hoạt động đến 2 giờ sáng, đến nay 2 quán đã nghỉ. Phường đã phải xử lý một số trường hợp mất an ninh trật tự về đêm, để xe tràn xuống lòng đường gây cản trở giao thông…

Mới đây, UBND phường Lý Thái Tổ có báo cáo gửi UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện trên địa bàn phường Lý Thái Tổ có hai hộ kinh doanh ở Hàng Tre. không thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh theo giấy phép, mà còn vi phạm như kinh doanh shisha, bóng cười, mở nhạc quá to gây mất an ninh trật tự, kinh doanh quá giờ quy định gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Thủy, Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ cho biết, đến nay quán bar trên đã cải tạo lại, đặc biệt là cách âm. Tuy nhiên, nếu vẫn còn ý kiến của người dân, phường sẽ tiếp tục kiến nghị rút giấy phép.

Đại diện UBND phường Hàng Buồm cho biết thêm, kinh doanh đến 2 giờ sáng vào các tối cuối tuần “được nhiều hơn mất”, được cho kinh tế địa phương, du khách nước ngoài lệch múi giờ có thêm những địa điểm để đáp ứng nhu cầu giải trí. Tất nhiên, kinh doanh đến 2 giờ sáng cũng làm tình hình an ninh trật tự phức tạp hơn, lực lượng công an vất vả hơn nhiều.

Hiện tại, trên địa bàn có 19 cơ sở được cấp phép kinh doanh đến 2 giờ sáng, tất cả đều là quán cà phê kèm nhạc, không có cơ sở kinh doanh ăn uống. Mặc dù có một số kiến nghị nhưng chưa có trường hợp nào bị rút giấy phép kinh doanh. Khó khăn bởi phường không thể xác định thế nào là gây ồn ào vượt mức? Nếu muốn xác định được phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn, có dụng cụ để đo âm lượng, như vậy mới có căn cứ để đề xuất lên quận thu hồi giấy phép của cơ sở. “Tuy vậy, do có nhu cầu nên các chủ kinh doanh vẫn sẽ bất chấp để mở thêm, như thế càng gây khó cho cơ quan chức năng”, vị này cho hay.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin: Toàn quận đã có 58 cơ sở tham gia tổ chức thí điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng. Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016 và trong năm 2018 là 30% so với năm 2017... Thực tế, hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng tiềm ẩn nhiều vấn đề, đặc biệt là các tệ nạn xã hội và các vấn đề ô nhiễm âm thanh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cuối năm 2018, quận đã tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh của các cơ sở đang thực hiện thí điểm, ra thông báo tạm dừng kinh doanh với 6 cơ sở không đáp ứng đủ yêu cầu về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… Năm 2019, quận tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm về an ninh trật tự, đặc biệt là những vấn đề dân sinh như âm thanh công suất lớn, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội với cuộc sống của người dân phố cổ.

Ông Nguyễn Ngọc Linh – Trưởng Công an phường Hàng Buồm cho biết, lực lượng tuần tra đã xử phạt việc hoạt động quá giờ quy định. Tuy nhiên, do chế tài xử lý thấp (mức xử phạt 100.000 - 300.000 đồng đối với cá thể và 300.000 - 600.000 đồng đối với tập thể theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP) nên nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt và chỉ tạm đóng cửa lúc lực lượng kiểm tra có mặt, những ngày sau đó sự việc đâu lại vào đấy.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...