Sau yêu cầu “cắt ngọn”:

Vi phạm xây dựng ở phố cổ vẫn tràn lan

Công trình xây sai phép (x) tại Nhà Chung Ảnh: Duy Phạm
Công trình xây sai phép (x) tại Nhà Chung Ảnh: Duy Phạm
TP - Không chỉ riêng các công trình ở số 26-28-30 phố Nhà Chung được chỉ ra mới đây, khu vực phố cổ nơi “tấc đất, tấc vàng” tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp. Nhiều công trình xây dựng trái phép tồn tại lâu năm khiến bộ mặt phố cổ bị biến dạng, gây bức xúc cho người dân. 

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ cưỡng chế 2 công trình “khủng” xây cao 7 tầng và 9 tầng tại phố Nhà Chung. Theo quy chế xây dựng nhà các khu vực nội đô, quy chế xây dựng trong khu vực phố cổ, khu phố cũ, tại phố Nhà Chung nhà chỉ được xây 6 tầng. Vậy nên nhà số 13 - 15 phố Nhà Chung xây 6 tầng với 1 tum là 7 tầng. Nhà số 26 - 28 - 30 xây 9 tầng là sai so với giấy phép.

Ghi nhận tại phố Nhà Chung thời điểm hiện tại, công trình số 26-28-30 hiện vẫn diễn ra hoạt động xây dựng, công nhân ra vào tấp nập. Công trình lớn ngay giữa phố sát Hồ Gươm nhưng cũng không hề có biển báo tên công trình theo quy định...

Công trình số 26-28-30 phố Nhà Chung xây dựng lên tầng thứ 9 có cả tum. Công trình này được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, đứng tên ông Phạm Lê Quân, khởi công từ đầu năm 2018. Chủ đầu tư đã tự nguyện tháo dỡ phần xây vi phạm từ ngày 4/12/2018. Đến nay, chủ nhà đã tháo dỡ được phần tum của công trình.

Về việc dừng không tiếp tục tháo dỡ nữa, đại diện cơ quan chức năng cho biết, do chủ đầu tư công trình đang xây dựng phương án đảm bảo an toàn nên phải tạm dừng. Chủ công trình cũng đã có đơn xin tự tháo dỡ, thời hạn trong vòng 52 ngày. Hết thời hạn này, UBND phường sẽ thuê đơn vị phá dỡ để cưỡng chế sai phạm. 

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, vi phạm trật tự xây dựng ở phố Nhà Chung không phải cá biệt. Nhiều công trình “khủng” vi phạm trật tự xây dựng “mọc” lên ngay trong lõi phố cổ khiến quy hoạch phố cổ bị méo mó, biến dạng. Như căn nhà tại 52 phố Đào Duy Từ (phường Hàng Buồm) xây cao 9 tầng (vượt 5 tầng so với giấy phép); Một số công trình khách sạn trên phố Hàng Bông (phường Hàng Bông) có dấu hiệu vi phạm mật độ và chiều cao.

Đặc biệt, công trình 52 phố Đào Duy Từ gây bức xúc cho dư luận khi chủ nhà ngang nhiên hoàn thiện trở thành khách sạn lớn. Đại diện UBND phường Hàng Buồm cũng chỉ xử phạt hành chính chủ công trình 14 triệu đồng vì xây vượt 5 tầng.

Xử lý cán bộ, công trình còn nguyên

Đầu năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản về việc đôn đốc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn Hà Nội tính đến ngày 28/2/2018. Trong đó, Hoàn Kiếm là một trong những quận tồn đọng nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (8 công trình): số 128 - 130 phố Hàng Bông (sai phép, không phép); số 45 - 47 phố Hàng Đồng (phường Hàng Bồ) xây dựng sai phép...

Quận ủy Hoàn Kiếm đã ra quyết định kỷ luật về Đảng với hàng loạt cán bộ: ÔngTrần Thế Lợi - Đội phó Đội Trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm; Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã; Cảnh cáo ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND phường 
Hàng Bông… 

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để xử lý các công trình tồn đọng rất khó khăn do các công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm, mua bán chuyển nhượng qua nhiều chủ. Để hạn chế những công trình mới phát sinh, cần nâng cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn từ 
địa phương. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.