TPHCM:

Phó chủ tịch xã bị tố cưỡng chế sai gây thiệt hại 900 triệu đồng

Đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú phá dỡ các công trình sai phép tại KCN Phong Phú.
Đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú phá dỡ các công trình sai phép tại KCN Phong Phú.
TPO - Theo phản ánh, dù chủ doanh nghiệp có mặt tại hiện trường và ra sức thuyết phục rằng công ty không có trong danh sách phải cưỡng chế phá dỡ tài sản nhưng đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM vẫn phá dỡ nhiều hạng mục mà không lập biên bản hiện trường gây thiệt hại khoảng 900 triệu đồng cho doanh nghiệp.

Mới đây, báo Tiền Phong nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Cty TNHH Tư vấn và Đầu tư GTP (viết tắt GTP) phản ánh việc đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM cưỡng chế tài sản không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thu giữ tài sản nhưng không lập biên bản?

Theo nội dung phản ánh, cuối năm 2017, Cty TMT được Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (KCN Phong Phú) ký hợp đồng thuê bảo vệ và quản lý tài sản trên khu đất 120ha trong tổng diện tích quy hoạch làm KCN Phong Phú là 140ha. Đến đầu tháng 1/2018, Cty TMT ký hợp đồng Hợp tác kinh doanh trên chính diện tích này với Cty GTP.

Đến tháng 8/2018, khi hợp đồng với Cty GTP còn hiệu lực và Cty GTP đã đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng rào chắn với chi phí hơn 20 tỷ đồng thì Cty TMT thanh lý hợp đồng với Cty Phong Phú. Từ đó, hàng loạt sự việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại khu đất này.

Phó chủ tịch xã bị tố cưỡng chế sai gây thiệt hại 900 triệu đồng ảnh 1 Đoàn cưỡng chế phá dỡ hệ thống điện năng lượng mặt trời của công ty GTP.

Để thiết lập lại trật tự xây dựng tại khu đất này, UBND huyện Bình Chánh, TPHCM quyết định vận động các bên có liên quan tháo dỡ các công trình xây dựng không phép. Đối tượng cưỡng chế ghi rõ trong các văn bản là Cty Phong Phú chứ không phải là Cty GTP.

Đến ngày 16/6/2020, đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh do ông Phùng Quốc Việt- phó Chủ tịch UBND xã dẫn đầu đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ và thu giữ nhiều tài sản được cho là xây dựng sai phép tại KCN Phong Phú của Cty GTP.

Tuy nhiên, theo ông Giang, đoàn cưỡng chế đã “lạm quyền”, tự ý phá dỡ các công trình, tài sản của Cty GTP nằm ngoài các nội dung đã được kết luận tháo dỡ của UBND TPHCM, UBND huyện Bình Chánh. Cụ thể là các công trình tài sản gồm hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập, các đồ dùng sinh hoạt, các thiết bị, chốt bảo vệ, biển báo…với tổng giá trị khoảng 900 triệu đồng mà không lập biên bản thu giữ.

Phó chủ tịch xã bị tố cưỡng chế sai gây thiệt hại 900 triệu đồng ảnh 2 Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Trường Giang gửi báo Tiền Phong.

Ông Giang cho rằng, việc UBND xã Phong Phú tiến hành cưỡng chế là không đúng đối tượng, thẩm quyền và có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi những tài sản bị thu giữ không phải của công ty Phong Phú mà là của Cty GTP. Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản không được lập biên bản thống kê chủng loại, số lượng. Sau đó, ông Giang đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Phùng Quốc Việt đến các cơ quan chức năng.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển đơn của ông Giang đến Trưởng Công an huyện Bình Chánh chỉ đạo giải quyết theo quy định.

UBND xã Phong Phú nói gì?

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, UBND xã Phong Phú ra văn bản do bà Tô Thị Kim Anh, Chủ tịch UBND xã ký phản hồi về vụ việc. Theo đó, bà Anh xác nhận ngày 16/6, xã tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với KCN Phong Phú.

Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND xã Phong Phú đã gửi các văn bản thông báo nội dung liên quan đến KCN Phong Phú. Bà Anh cho rằng, qua rà soát, UBND xã Phong Phú không tiếp nhận thông tin hoạt động kinh doanh hoặc thông báo hoạt động hợp pháp của Cty GTP trên đia bàn xã Phong Phú.

Phó chủ tịch xã bị tố cưỡng chế sai gây thiệt hại 900 triệu đồng ảnh 3 Các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt bị thu giữ.

Văn bản trả lời của UBND xã Phong Phú cũng nêu, trước khi thực hiện cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã đọc công khai các quyết định cưỡng chế cho người vi phạm cùng nghe, có mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể của xã Phong phú, đại diện KCN Phong Phú cùng giám sát và chứng kiến đầy đủ các bước thi hành cưỡng chế. Bên cạnh đó, khi thực hiện cưỡng chế đoàn cưỡng chế của xã có lập biên bản kiểm kê tài sản để thực hiện cưỡng chế.

Đến ngày 17/6 (một ngày sau khi cưỡng chế phá dỡ, thu giữ tài sản của doanh nghiệp) thì UBND xã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do tổ chức vi phạm là công ty cổ phần KCN Phong Phú không nhận tài sản trong quá trình cưỡng chế. Đồng thời có Thông báo về việc nhận lại tài sản của Ủy ban nhân dân xã cũng được ban hành ngày 17/6.

Phó chủ tịch xã bị tố cưỡng chế sai gây thiệt hại 900 triệu đồng ảnh 4 Khu vực thuộc quyền quản lý của công ty GTP bị cưỡng chế phá dỡ.

Đồng thời, văn bản do bà Anh ký cho rằng, đại diện KCN Phong Phú (Chủ đầu tư hợp pháp toàn bộ diện tích đất trong KCN Phong Phú) cũng xác định UBND xã Phong Phú cưỡng chế các công trình vi phạm trên là đúng đối tượng đã được xác định. UBND xã Phong Phú không tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng hợp pháp của tổ chức nào ngoài ranh dự án KCN Phong Phú. Trong khi đó, theo phản ánh thì tài sản bị cưỡng chế phá dỡ là của Cty GTP.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.