Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý: Hà Nội quyết liệt chặn dịch, bảo đảm an toàn bệnh viện

TPO - Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVId-19 thành phố Hà Nội, không loại trừ trong thời gian tới trên địa bàn có thể xuất hiện các ca mắc COVID-19; tuy nhiên, thành phố đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xét nghiệm 35.000 mẫu PCR, chỉ một mẫu dương tính

Thưa ông, Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho người về từ Đà Nẵng từ 15-29/7. Ông có thể cho biết tiến độ xét nghiệm hiện nay có đáp ứng yêu cầu đề ra?

Công tác xét nghiệm đang được thành phố triển khai rất quyết liệt. Theo khảo sát, những người về từ Đà Nẵng về có khoảng hơn 100.000 người, trong đó từ 15-7 đến nay khoảng hơn 74.000 người. Cho tới thời điểm trưa 19/8, Hà Nội đã lấy mẫu được 71.000 người và hơn 35.000 người đã có kết quả, có 1 trường hợp dương tính tại quận Tây Hồ, còn lại đều âm tính. Đây là kết quả bước đầu. Còn lại gần 3.000 trường hợp, Sở Y tế sẽ triển khai quyết liệt, trong ngày 19/8 sẽ xong.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý: Hà Nội quyết liệt chặn dịch, bảo đảm an toàn bệnh viện ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Người dân yên tâm sẽ được xét nghiệm đúng lịch trình của thành phố, tức là trong ngày 20/8 sẽ xong toàn bộ. Còn những người về từ Đà Nẵng trước 15/7 tiếp tục có phương án xét nghiệm Elisa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay, ưu tiên cho việc xét nghiệm PCR để sàng lọc, phát hiện bệnh nhân.

Tôi nhắc lại là qua sàng lọc, xét nghiệm, đến giờ phút này có 1 trường hợp bệnh nhân dương tính trên 35.000 mẫu. Tỷ lệ này rất nhỏ, có thể yên tâm đối với tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là những người đi về từ Đà Nẵng trong thời gian qua.

Trong thời gian tới ngoài việc xét nghiệm với những người về từ vùng dịch Đà Nẵng về, thành phố tiếp tục xét nghiệm với những trường hợp từ nước ngoài về trong các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý; các chuyên gia, nhà quản lý, người lao động tay nghề cao trong các khu cách ly tại khách sạn rồi mở rộng đối tượng xét nghiệm với những người liên quan đến viêm phổi, ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân.

 Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường xét nghiệm trong bệnh viện. Hiện nay Bộ Y tế cũng quy định việc thanh toán bảo hiểm cho xét nghiệm COVID-19. Với các trường hợp không có thẻ bảo hiểm thì ngân sách tiếp tục hỗ trợ để rà soát, phân loại và xác định các ca dương tính trên địa bàn để phòng chống dịch.

Theo nhiều thông tin phản ánh đến báo Tiền Phong, nhiều người trở về từ Đà Nẵng khá lo lắng khi có nhu cầu xét nghiệm nhưng chưa được xét nghiệm? 

Trong đợt xét nghiệm vừa qua, có 2 ngày đầu việc triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Nguyên nhân do mẫu xét nghiệm, vật tư phục vụ lấy mẫu xét nghiệm còn hạn chế. Mỗi ngày khi đó chỉ cung cấp được từ 3.000 – 5.000 mẫu.

Sau đó thành phố đã được các doanh nghiệp ủng hộ, như Vinamilk ủng hộ 50.000 mẫu, Bệnh viện Hồng Ngọc ủng hộ khoảng 20.000 mẫu, Vingroup ủng hộ 20.000 và các doanh nghiệp khác. Chúng tôi có 90.000 mẫu đáp ứng đủ yêu cầu xét nghiệm cho người dân, đặc biệt cho người dân Đà Nẵng trở về.

Việc xét nghiệm, chúng tôi đã giao cho Sở Y tế chỉ đạo, các Trung tâm Y tế là đầu mối. Địa điểm do Trung tâm Y tế sắp xếp. Người dân có mong muốn xét nghiệm, có triệu chứng, thuộc đối tượng xét nghiệm cần liên hệ với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế các quận huyện để được xét nghiệm.

Không loại trừ xuất hiện ca bệnh mới

Hà Nội dự báo như thế nào về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới? Việc xuất hiện ca mắc COVID-19 ủ bệnh tới hơn 20 ngày hiện đang gây lo lắng cho người dân trên địa bàn thành phố, thưa ông?

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 11 ca mắc COVID-19. Trong 11 ca này có 2 ca không có triệu chứng. Thành phố chỉ đạo khi phát hiện ca bệnh thì phải kiên quyết khoanh vùng, điều tra những người tiếp xúc gần F1, F2, tổ chức khử khuẩn, cách ly, xét nghiệm các đối tượng liên quan để khoanh vùng, dập dịch ngay. Khi xuất hiện ca mắc nào thì Sở Y tế, CDC rồi Ban chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã vào cuộc không kể ngày đêm để điều tra, phát hiện và xử lý vùng dịch. Với cách làm như vậy thì chúng tôi cho rằng, nếu phát hiện các ca bệnh, Hà Nội sẽ kịp thời hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý: Hà Nội quyết liệt chặn dịch, bảo đảm an toàn bệnh viện ảnh 2

Theo ông Quý, không loại trừ Hà Nội phát hiện các ca bệnh mới trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Dự báo trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, vẫn có khả năng có những ca bệnh xuất hiện trên địa bàn, tuy nhiên khó có khả năng lây lan rộng. Với những ca không có triệu chứng chúng tôi sẽ quan tâm hơn. Trước hết là rà soát những đối tượng tiếp xúc gần theo quy định của Bộ Y tế. Đối tượng tiếp theo là những người có liên quan (dù theo quy định không phải cách ly tập trung) nhưng cũng yêu cầu cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Từ đó, sẽ kiểm soát được toàn bộ khả năng lây nhiễm khi có ca dương tính.

Hiện nay thành phố đang chỉ đạo quyết liệt, các quận, huyện, xã, phường đang vào cuộc tích cực. Thành phố cũng đã có kinh nghiệm phòng chống dịch trong đợt 1, đợt 2. Vì vậy, Hà Nội vừa quyết liệt, chủ động nhưng không hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Nhiệm vụ phòng chống dịch vẫn là trên hết, nhưng vẫn có biện pháp phù hợp để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Xử phạt nghiêm việc không đeo khẩu trang

Hiện nay, Hà Nội đang khuyến cáo người dân khi ra đường phải đeo khẩu trang, các hàng quán phải giãn cách đảm bảo an toàn chống dịch. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Chúng tôi xác định hiện nay là thời điểm trọng điểm phòng chống dịch nên cần có các biện pháp căn cơ. Thứ nhất, thành phố, quận huyện, phường xã, các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra ngoài đường, thậm chí không ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Thứ hai là không nên tập trung đông người nơi công cộng ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Thứ ba khi ra ngoài là phải đeo khẩu trang. Thứ tư là khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, có biểu hiện của cảm cúm thì đến cơ quan y tế ngay để được tư vấn về sức khỏe và dịch bệnh.

Còn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, Hà Nội yêu cầu tất cả phải có biện pháp phòng chống dịch bệnh tại đơn vị mình. Với cơ sở kinh doanh dịch vụ như bar, karaoke, vũ trường phải dừng hoạt động; không để quán nước vỉa hè hoạt động.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý: Hà Nội quyết liệt chặn dịch, bảo đảm an toàn bệnh viện ảnh 3

Ông Quý khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết trong thời gian thành phố vào cao điểm chống dịch. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Đối với các cơ sở có đông người như cửa hàng ăn uống, giải khát cần có biện pháp kiên quyết hơn, đặc biệt liên quan đến phòng chống dịch như phải có biển báo cụ thể để khách hàng biết; chủ cửa hàng phải khử khuẩn; nhân viên cửa hàng phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ; khách đến phải đo thân nhiệt; bố trí khách phải giãn cách tối thiểu 1 mét; nếu làm được vách ngăn thì càng tốt.

Thành phố cũng giao cho các quận huyện, phường, xã, cơ quan công an tăng cường công tác kiểm tra, nếu có vi phạm phải xử phạt để các đơn vị kinh doanh, người dân thực hiện nghiêm. Vừa rồi một số quận, huyện làm rất mạnh. Ví dụ như Hoàn Kiếm xử phạt 140 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Một số quận, huyện khác cũng đang triển khai. Thành phố tiếp tục đôn đốc thực hiện.

Thành phố cũng đã báo cáo Thành ủy tiếp tục có chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với phòng chống dịch trong thời gian hiện nay. Thành phố cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, đi kiểm tra các quận huyện thị xã, các cơ sở trong công tác phòng chống dịch, làm sao tạo giải pháp đồng bộ.

Dừng hoạt động bệnh viện không đảm bảo an toàn

Từ thực trạng các bệnh viện của Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội làm gì để đảm bảo an toàn cho chính các bệnh viện, cơ sở y tế, thưa ông?

Đối với các bệnh viện, Hà Nội coi đây là nơi dễ xảy ra dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Kinh nghiệm từ Đà Nẵng, các bệnh viện là nơi lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hà Nội giai đoạn trước cũng đã có trường hợp Bệnh viện Hồng Ngọc, cũng đã có trường hợp Bệnh viện Bạch Mai. Hà Nội hiện nay có 11 ca bệnh thì có 8 ca phát hiện trong bệnh viện. Vì thế, bệnh viện là nơi cần được quan tâm và cầ có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể thành phố đã có chỉ đạo với tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố kể cả của T.Ư và thành phố, kể cả bệnh viện, phòng khám tư nhân, tất cả phải có các biện pháp phòng chống dịch đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phải xây dựng các tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch, trong đó cần quan tâm phân luồng khám chữa bệnh; với những ca nghi ngờ, có dấu hiệu phải khám riêng, rồi có nơi cách ly, tổ chức xét nghiệm, tổ chức các trang thiết bị đầy đủ cho nhân viên y tế để đảm bảo không lây nhiễm cho cán bộ y bác sĩ và người thăm khám.

Các đơn vị cũng phải quản lý giãn cách nơi tập trung chờ khám chữa bệnh; hạn chế người nhà vào thăm; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; có lịch hẹn hợp lý, tránh tập trung đông người. Nếu các cơ sở bệnh viện không chấp hành, thực hiện không đầy đủ, được đánh giá là không an toàn thì sẽ cho dừng hoạt động.

Thưa ông, có một số ý kiến cho rằng, Hà Nội chống dịch giai đoạn hiện nay chưa quyết liệt như đợt trước?

Kinh nghiệm phòng chống dịch đợt này là chỉ đạo quyết liệt, giải pháp phải cụ thể và vừa chống dịch, đảm bảo an toàn là trên hết nhưng cũng phải duy trì được sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta đang cố gắng làm tốt, đảm bảo an toàn cho nhân dân, nhưng vẫn tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, tùy  theo trường hợp phát hiện ca dương tính thì khoanh vùng triệt để, hiệu quả, diện hẹp, nhưng đảm bảo quy định, đảm bảo an toàn. Không phải khoanh vùng diện hẹp mà để mất an toàn phòng chống dịch. Qua kinh nghiệm các đợt trước và tình hình hiện nay, chúng tôi đang thực hiện theo hướng này.

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".