Phim Việt trên truyền hình: Thời lượng tăng, chất lượng thả nổi

Phim Việt trên truyền hình: Thời lượng tăng, chất lượng thả nổi
Để đảm bảo được chỉ tiêu ít nhất là 30% (từ 30% đến 50%) phim Việt phát trên sóng, không ít ý kiến từ các Đài truyền hình (ĐTH) địa phương cho rằng họ thậm chí buộc phải phát cả những phim dở dở, ương ương.

Từ việc thực thi chỉ tiêu ít nhất 30% phim Việt đã cho thấy nhiều bất cập. Việc lấp sóng ra sao cho giờ vàng phim Việt không hề đơn giản bởi phim truyền hình Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng: thiếu về số lượng, ít về chất lượng. Khoan chưa nói về số lượng, chất lượng các bộ phim Việt được chiếu để đủ định mức mới là điều cần bàn.

Các đài địa phương gặp khó

Hai ĐTH lớn là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đều có hãng phim của mình. Được biết, hiện nay, Hãng phim VFC của VTV mỗi năm sản xuất 250 tập phim, còn TFS của HTV sản xuất 200 tập phim/năm. Tuy nhiên, số lượng ấy vẫn không đủ để đạt chỉ tiêu phát sóng theo yêu cầu. Vì thế, phần còn lại nhà đài trông cậy vào các đối tác liên kết.

Các ĐTH lớn như VTV hay HTV thì mới có sự tham gia của nhiều đối tác nên thời lượng phim Việt phát sóng ngày càng dày hơn. VTV hiện đạt thời lượng từ 35% - 40%; còn HTV nhỉnh hơn, từ 41% - 43% và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 45% từ tháng 9.2010. Vấn đề số lượng không là bài toán đau đầu với các ĐTH lớn.

Tuy nhiên, đối với các ĐTH địa phương, việc chiếu đủ định mức phim Việt không hề là chuyện đơn giản. Muốn có phim chiếu, các đài phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền khá lớn. Điều này gây khó khăn cho các đài địa phương bởi không đủ tiền để mua. Do đó, nhiều đài phải sử dụng những phim chiếu rồi, rất nhàm chán và hầu như khán giá không muốn xem.

Có một thực tế khác là, đầu tư kinh phí sản xuất cho các chương trình game show, talk show hay các chương trình ca nhạc,tạp kỹ thường thấp hơn so với các phim truyền hình và cũng dễ kêu gọi tài trợ hơn. Do đó, các đài địa phương, đài tỉnh chưa đầu tư sản xuất phim truyền hình. Những phim Việt phát trên các đài này thường được mua bản quyền với giá hữu nghị từ các đài lớn hay các hãng phim sau khi đã được phát sóng. Cũng vì phim đã được “phát sóng” nước một nên đài địa phương thường chỉ phát lại vào ban ngày.

Thêm vào đó, vùng phủ sóng của các đài địa phương còn ở mức khiêm tốn. Vùng phủ sóng hẹp, quy mô tổ chức sản xuất và đội ngũ sản xuất còn hạn chế, mãi lực quảng cáo cũng chỉ ở mức vừa phải. Vì thế sức lôi kéo liên kết sản xuất phim từ các đơn vị khác không thể sánh ngang với những nhà Đài khổng lồ như VTV hay HTV được.

Thời lượng tăng, chất lượng chưa chắc đã …tăng

Nếu điểm mặt những bộ phim đã được phát sóng như: Lập trình trái tim, Những thiên thần áo trắng, Bước nhảy xì tin, Ngôi nhà hạnh phúc…hay những phim gần đây như: Món nợ miền đông, Vệt nắng cuối trời…thì không khó để nhận thấy các nhà làm phim mới chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài còn phần ruột bên trong vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Minh Tiệp và Quỳnh Nga hai diễn viên chính trong phim 'Lập trình cho trái tim'
Minh Tiệp và Quỳnh Nga hai diễn viên chính trong phim 'Lập trình cho trái tim'. Ảnh: TGĐA

Có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng phim truyền hình chiếu giờ vàng chưa thực sự thỏa mãn công chúng. Số lượng phim Việt trên truyền hình đang tăng với tốc độ ồ ạt trong khi đội ngũ chính làm phim như biên kịch, đạo diễn, diễn viên chưa kịp có sự bổ sung.

Thêm vào đó, chính việc phải gấp gáp chạy theo số lượng phim phát sóng khiến những nhà làm phim không còn đủ tâm huyết, ý tưởng, sự sáng tạo và lòng yêu nghề. Bản thân các đạo diễn cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lối làm phim cẩu thả, kết quả của việc cố gắng “trụ vững” trong guồng quay đủ định mức.

Kinh phí làm phim cũng “góp phần” làm giảm chất lượng phim. Nhiều đơn vị không có đội ngũ về cả con người và thiết bị nên thuê lại nơi khác sản xuất; đơn vị sản xuất lại trừ một phần chi phí nên tiền thực chi cho một tập phim không còn là bao. Hơn nữa, có một bộ phận làm phim không có chuyên môn nhưng vẫn được giao phim. Từ đó hình thành một nguồn nhân lực làm phim đã thiếu lại càng có nguy cơ yếu dần về chuyên môn.

Nói về chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam hiện nay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC đã từng nói: “Với số lượng phim làm để phát sóng trên các kênh truyền hình hiện nay, phim truyền hình đang bị thả nổi về nhiều khâu: từ thẩm định, tiến hành sản xuất đến đánh giá nghiệm thu”.

Thiết nghĩ, chủ trương để phim Việt chiếm 30% - 50% thời lượng phát sóng trên truyền hình là chủ trương đúng đắn và kịp thời. Nhưng vẫn rất cần một quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của các đài trong việc chọn đối tác và duyệt phim để có những bộ phim thực sự có chất lượng đến với công chúng. Đừng để khán giả được xem phim Việt nhiều hơn nhưng lại không được chọn phim có chất lượng. Điều này sẽ khiến cho khán giả dễ dàng quay lưng với phim Việt!

Theo Quỳnh Chi

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.