Diễn viên Isabelle Huppert vào vai Michèle Leblanc điều hành công ty trò chơi điện tử, thuộc mẫu người đàn bà thép cả trong công việc lẫn tình cảm. Cô sống với cậu con trai hơi kém thông minh, bị ám ảnh vì chứng kiến tội ác kinh hoàng do cha cô gây ra. Cuộc sống của Michèle bất chợt thay đổi khi bị một người đàn ông đeo mặt nạ tấn công và cưỡng ép tại nhà. Cô cũng phải đối mặt một kẻ chuyên rình rập quanh nhà.
Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết “Oh” của nhà văn Pháp Philippe Djian gây chú ý ngay khi ra mắt năm 2012. Bộ phim Pháp hoàn toàn nhưng đạo diễn Paul Verhoeven người Hà Lan, đã làm Bản năng gốc. Ban đầu đạo diễn muốn phim quay ở Mỹ nhưng thất bại về tài chính cũng như quan điểm nghệ thuật: Không nữ diễn viên Mỹ nào chịu quay bộ phim đề cập đề tài nhạy cảm về đạo đức như thế. Trong truyện, nhân vật chính làm trong lĩnh vực viết kịch bản, lên phim đổi thành công ty trò chơi điện tử, phù hợp và bớt nhàm chán hơn.
Isabelle Huppert nhận nhiều giải thưởng ở các LHP tại Mỹ như Giải thưởng Gotham hay Giải thưởng Các nhà phê bình phim New York và Los Angeles, trước đó là sự vinh danh của Viện Phim Mỹ. Cô từng hai lần được giải ở Cannes với Nghệ sỹ dương cầm và Violette Noziere. Trong Elle, Isabelle làm nên một nhân vật chưa từng thấy trong điện ảnh: Từ vị trí người bị tấn công trở thành người theo dõi ngược kẻ tấn công. “Tôi chưa bao giờ làm việc với diễn viên nào tận tâm như thế. Đó là một tài năng đáng kinh ngạc, Isabelle mới là người làm ra bộ phim, điều hành bộ phim ở cấp độ cao”, đạo diễn nói.
Sức hấp dẫn nằm ở chỗ đạo diễn xây dựng nhân vật Michèle và diễn biến không dễ đoán định. Khán giả chẳng tài nào đoán trước hành động và diễn biến tâm lý của nhân vật sau vụ cưỡng hiếp kinh hoàng: Sau khi bị tấn công, cô không gọi cảnh sát mà điềm nhiên thu dọn đồ đạc đổ vỡ trong quá trình vật lộn với kẻ giấu mặt, sau đó gọi đặt món sushi. Michèle cũng điềm nhiên nói về chuyện bị tấn công trong bữa tiệc với những người thân tình, trong khi người ngoài cuộc lại bối rối. Không để bị biến thành nạn nhân đau khổ, Michèle chủ động mua vũ khí phòng thân, học bắn súng và sẵn sàng vào cuộc chơi mèo vờn chuột để lật tẩy kẻ bạo dâm.
Phim bắt đầu bằng cảnh nữ chính bị bạo dâm tại nhà riêng nhưng khán giả không cần quá lo ngại về chiều hướng bạo lực. Elle là sự pha trộn giữa chất ly kỳ, tâm lý xã hội cũng như chất hài hước. Kết thúc phim, khán giả không có cảm giác vừa chứng kiến câu chuyện một người phụ nữ nảy sinh tình cảm với kẻ tấn công, nó phức tạp hơn nhiều.
Bạo lực dù là vấn đề trung tâm nhưng bộ phim mở rộng ra nhiều chủ đề, từ bạo lực gia đình, thừa kế, mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, tình bạn cũng như mối quan hệ luyến ái mà nhân vật chính đối mặt. Bên cạnh tâm lý phức tạp, Michèle có hàng tá vấn đề, rắc rối ẩn sau vỏ bọc hoàn hảo của một doanh nhân thành công: Bố chờ ngày chết trong tù, mẹ chuẩn bị cưới chàng trai đáng tuổi con, con trai lông bông và bị người yêu dắt mũi, bị nhân viên công ty ghét bỏ. Bộ phim được sự chào đón nồng nhiệt của cả giới phê bình lẫn khán giả khi chiếu ở Cannes.
Elle cũng gây tranh cãi khi được chọn là đại diện Pháp dự Oscar, không phải ở khía cạnh chất lượng phim. Giới đạo diễn Pháp phản ứng bởi hai năm liền hội đồng tuyển chọn đều dành cơ hội cho phim do đạo diễn nước ngoài thực hiện, trong khi có tới 220 đạo diễn Pháp có phim ra mắt trong năm bị gạt ra lề.