Philippines, Trung Quốc và bài toán chiếm đảo

TPO - Nếu lực lượng vũ trang Philippines chiếm đóng 10 đảo hiện không có người ở, họ sẽ vi phạm DOC, tạo cơ hội cho Bắc Kinh ngăn cản nỗ lực tiếp tế của Manila.

Ngày 6/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cho các lực lượng vũ trang nước này chiếm đóng 10 thực thể trên biển Đông trong tương lai.

Philippines, Trung Quốc và bài toán chiếm đảo ảnh 1

Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 9/3, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng nhiều cơ sở quân sự trên đó. Ảnh: CSIS.

Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với tất cả các thực thể nằm trong “đường lưỡi bò” liếm gần hết diện tích biển Đông. Vì thế, rất có thể, Trung Quốc sẽ “giãy nảy lên” nếu Philippines động đến 10 thực thể đó.

Nếu lực lượng vũ trang Philippines chiếm đóng các thực thể hiện không có người ở, họ sẽ vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002. DOC kêu gọi các bên kiềm chế việc chiếm đóng đảo, bãi đá… hiện không có người ở.

Và điều nghiêm trọng hơn là Trung Quốc có thể phản ứng. Giới chức Trung Quốc từng nói: “Nếu anh làm một, chúng tôi sẽ làm một rưỡi; nếu anh làm hai, chúng tôi sẽ làm hai rưỡi”.

Nếu Philippines thực sự cho quân chiếm đóng 10 đảo hiện không có người ở và xây dựng cơ sở lâu dài trên đó, như doanh trại, hệ thống hỗ trợ thì điều đó sẽ tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về hậu cần và tạo cơ hội cho Trung Quốc ngăn cản nỗ lực tiếp tế của Philippines. Trung Quốc sẽ ngăn cản bằng cách đưa tàu hải cảnh ra thường trú ở vùng biển gần các đảo đó.

Những hành động như vậy sẽ gây áp lực lớn đối với năng lực của Philippines trong việc duy trì sự hiện diện trên các đảo cũng như phản ứng với các tàu hải cảnh Trung Quốc to lớn hơn, được vũ trang tốt hơn.

Lệnh của Tổng thống Duterte, cụ thể là cử quân ra chiếm các đảo, bãi đá mà Philippines có yêu sách chủ quyền, đánh dấu sự quay ngoắt 180 độ trong chính sách của ông hồi mới nhậm chức.

Năm ngoái, chính sách của ông là giảm tông tranh cãi với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Rõ ràng rằng, việc Trung Quốc tiếp tục củng cố quyền kiểm soát và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa đã tác động đến giới chức quốc phòng Philippines và sau đó là Tổng thống Duterte.

Tháng 7 năm ngoái, sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh tiếp tục củng cố 3 đảo nhân tạo chính mà họ xây dựng trái phép trên biển Đông. Đó là đá Chữ Thập, Gạc Ma và Xu Bi. Mỗi đảo nhân tạo này đều có sân bay dài 3km.

Trung Quốc củng cố 3 đảo nhân tạo chính bằng cách xây dựng các nhà chứa máy bay kiên cố để tiếp nhận máy bay phản lực quân sự, lắp đặt hệ thống vũ khí đánh gần và súng phòng không. Trung Quốc cũng xây dựng các cơ sở có thể chứa tên lửa đất đối không trên tất cả 7 thực thể mà nước này chiếm đóng.

Sau đó, Manila rất lo ngại trước thông tin rằng, Trung Quốc, cụ thể là giới quản lý đang hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa chuẩn bị lắp đặt các thiết bị giám sát môi trường trên bãi cạn Scarborough.

Gần đây nhất, lo ngại lại xuất hiện khi một tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc bơi đi bơi lại tại Benham Rise (khu vực rộng lớn mà Liên Hợp Quốc tuyên bố là một phần thềm lục địa của Philippines) ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Philippines. 

Trước thông tin Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh quân đội chiếm đóng tất cả các thực thể Philippines có yêu sách chủ quyền ở biển Đông mà chưa bị bên nào chiếm đóng cũng như tuyên bố sẽ thăm đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong thời gian tới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 9/4 cho biết, Việt Nam rất quan tâm và đang theo dõi, xác minh các thông tin này.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, bà Hằng khẳng định.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.