Phía sau quan hệ với Nga của ứng viên ngoại trưởng Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng giám đốc điều hành Exxon Mobil Rex Tillerson (phải) hồi tháng 6/2012 ở Nga. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng giám đốc điều hành Exxon Mobil Rex Tillerson (phải) hồi tháng 6/2012 ở Nga. Ảnh: AP
TP - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa chính thức đề cử ông Rex Tillerson, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, làm Ngoại trưởng Mỹ. Báo chí quốc tế xôn xao về quan hệ gần gũi giữa ông Tillerson với Nga và những lợi ích kinh tế đằng sau đó.

Năm 2012, ông Tillerson được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương Hữu nghị - một trong những phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước Nga trao cho công dân nước ngoài. Chiếc huân chương này nói lên mối quan hệ gần gũi nhiều năm qua của ông Tillerson với Nga. Cả đời làm việc cho Exxon Mobil, ông Tillerson, 64 tuổi, được thăng cấp lên nhiều vị trí nhờ công việc quản lý hoạt động của tập đoàn này tại Nga. Trên thực tế, mối quan hệ thân thiết của ông Tillerson với Nga là lý do chính khiến ông được chọn để thay thế ông Lee Raymond làm Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Exxon từ năm 2006, cuốn sách “Đế chế tư nhân: Exxon Mobil và quyền lực Mỹ” của tác giả Steve Coll khẳng định.

Khi ông Tillerson đã trở thành CEO của tập đoàn, Exxon rót hàng tỷ USD vào nguồn tài nguyên giàu mỏ cực kỳ nhiều nhưng cũng nổi tiếng khó khai thác ở Nga thông qua việc trở thành đối tác của tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft của Nga. Tổng thống Putin đã dự lễ ký thỏa thuận giữa hai tập đoàn này vào năm 2011. Nga cũng đã bày tỏ hoan nghênh việc ông Tillerson được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ.

Năm 2012, ông Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft và là người thân cận với Tổng thống Putin, ca ngợi quan hệ đối tác của hai tập đoàn là bước tiến lớn và cho rằng, quan hệ này “tham vọng hơn bước đi đầu tiên của con người lên vũ trụ hoặc đưa người lên Mặt trăng”. Dự án hợp tác với Exxon là thỏa thuận lớn đối với Nga. Ông Sechin (sau đó trở thành Phó Thủ tướng Nga) nói rằng, sau khi thỏa thuận với Exxon được ký, giá trị của Rosneft tăng vọt lên 7 tỷ USD chỉ trong 5 ngày. Quan hệ hợp tác này cũng giúp Rosneft có cơ hội tham gia các dự án của Exxon ở Bắc Mỹ, trong đó có các dự án ở Tây Texas và vùng biển sâu trên vịnh Mexico. Ông Tillerson có vẻ hy vọng thỏa thuận với Exxon sẽ giúp quan hệ Mỹ - Nga gần gũi hơn. “Thỏa thuận rất hữu ích trong việc mở rộng quan hệ giữa người dân Mỹ và Nga”, ông Tillerson nói vào thời điểm đó.

Tổng thống Putin sau đó trao tặng ông Tillerson Huân chương Hữu nghị vì “có công đặc biệt trong việc tăng cường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước”. Huân chương này cũng được trao tặng cho những người “có đóng góp lớn” cho “các dự án kinh tế quy mô lớn” ở Nga.

Năm 2014, Exxon bị thiệt hại nặng do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine. Exxon nói rằng, thiệt hại của họ có thể lên tới 1 tỷ USD, CNN đưa tin. Exxon có thể sẽ tìm lại được lợi nhuận nếu các biện pháp trừng phạt Nga được chính quyền mới của Mỹ gỡ bỏ. “Chúng tôi rất lo ngại khi quay lại làm việc ở đó”, ông Tillerson nói với các nhà phân tích công nghiệp vào tháng 3 năm nay khi được hỏi liệu Exxon có quan tâm việc khởi động lại công việc làm ăn với Rosneft ở Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News cuối tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump ca ngợi ông Tillerson “không chỉ là người điều hành doanh nghiệp” và “người chơi đẳng cấp thế giới”. Ông Trump dẫn chứng rằng ông Tillerson “biết nhiều người chơi khác” và đã giành được “những thỏa thuận lớn với Nga” cho Exxon.

Mối quan hệ gần gũi với Nga của ông Tillerson có thể khiến ông bị các nghị sĩ Mỹ soi kỹ sau khi ông được đề cử.

Báo cáo của CIA bị bác

Các hãng tin lớn vừa dẫn lời giới chức Mỹ nói rằng, cơ quan giám sát giới tình báo Mỹ đã không ủng hộ đánh giá của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định các vụ tấn công mạng từ Nga là nhằm giúp ông Trump thắng cử trong buộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) không phản bác phân tích của CIA về các đợt tấn công từ Nga, nhưng họ cũng không tán thành đánh giá này vì thiếu bằng chứng có thể kết luận Mátxcơva đứng sau các hoạt động nhằm giúp ông Trump giành lợi thế trước đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ, các quan chức Mỹ giấu tên nói. Quan điểm của ODNI có khả năng giúp ông Trump có thêm vũ khí mới để bác bỏ đánh giá của CIA mà trước đó ông gọi là “nực cười”. Phát ngôn viên của ODNI từ chối bình luận về vấn đề này. “ODNI không nói rằng CIA sai, mà chỉ là họ không thể chứng minh”, một quan chức giấu tên nói. Cục Điều tra Liên bang Mỹ từ chối chấp nhận phân tích của CIA cũng vì lý do tương tự.

ODNI được thành lập sau đợt tấn công khủng bố 11/9/2001 với nhiệm vụ phát hiện những thất bại tình báo nghiêm trọng và gia tăng phối hợp giữa các cơ quan tình báo Mỹ.

Tháng 10 năm nay, chính phủ Mỹ chính thức cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm vào các tổ chức chính trị Mỹ trước khi diễn ra cuộc bầu cử 8/11. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã cảnh báo Tổng thống Putin về hậu quả của những vụ tấn công này. Báo cáo của CIA đã khiến các lãnh đạo trong quốc hội Mỹ kêu gọi mở cuộc điều tra.

MỚI - NÓNG