Phía sau hào quang của futsal Việt Nam (kỳ 2): Hạn chế và nỗ lực vượt bậc

0:00 / 0:00
0:00
Các cầu thủ Futsal Việt Nam trên sân bóng World Cup
Các cầu thủ Futsal Việt Nam trên sân bóng World Cup
TP - Bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có sự đầu tư. Bởi, chỉ có sự đầu tư tương xứng mới cho ra những “trái ngọt” về kết quả. Chiến tích ở hai kỳ World Cup của tuyển futsal Việt Nam thực tế vẫn là nỗ lực vượt bậc của “phần ngọn”, tức là nỗ lực của các thành viên tuyển futsal Việt Nam là chính chứ chưa thực sự được quan tâm đầu tư.

Phải thừa nhận, giải VĐQG futsal Việt Nam chưa tạo được sức hút lớn đối với công chúng, dù gần đây bắt đầu có sự cải thiện. Sân chơi này dường như vẫn khu biệt cho các đội bóng có trụ sở ở phía Nam. Phía Bắc hay các tỉnh Bắc Trung bộ, các đội bóng futsal danh tiếng gần như không có. Điều này tự thân nó tạo ra sự chênh lệch lớn về tính phổ quát và đồng đều. Con số 21 thành viên phía Nam, 5 thành viên phía Bắc của tuyển futsal Việt Nam hiện tại là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Giải VĐQG futsal lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 với thể thức chia bảng. Hệ thống thi đấu này tồn tại đến tận năm 2015 mới chuyển sang tính chất đá league, tức là các đội thi đấu vòng tròn hai lượt đi về để tăng cơ hội cọ xát.

Futsal Việt Nam tạo ra nhiều kỳ tích và trong lần tổ chức đầu tiên, đội đoạt chức VĐQG cũng là một kỳ tích: Trà Dilmah Hà Nội. Khi đó, các cầu thủ Trà Dilmah gồm tập hợp các cầu thủ sân 11 đã nghỉ thi đấu và nhiều cầu thủ phong trào chơi sân 7 người là chính đã đi một mạch đến trận chung kết. Trong trận đấu cuối cùng phân định ngôi thứ, Trà Dilmah Hà Nội giành chiến thắng chênh lệch đến 6-1 trước đội bóng có cái tên rất dài: Báo Công an thành phố Phường 5 Quận 11. Hai đội giành giải Ba lúc đó là Duhail Tiền Giang và Cà Mau.

Những năm sau đó, từ 2008 trở đi, giải VĐQG futsal Việt Nam in đậm dấu ấn của hai tên tuổi Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc. Dưới một chút, người am hiểu bóng đá trong nhà cũng chỉ ghi nhận vài cái tên như Hoàng Thư Đà Nẵng, Hải Phương Nam Sài Gòn, Sana Khánh Hòa. Còn lại, những đội bóng futsal chỉ “ghi danh một lần rồi nghỉ” như cựu vô địch mùa đầu Trà Dilmah Hà Nội, Tâm Nhật Minh (vô địch năm 2011), Đất Lành (hạng Ba năm 2009) gần như không có trong bộ nhớ của người hâm mộ futsal hiện tại.

Nỗ lực vượt bậc chỉ để được nhìn nhận

Màn trình diễn của tuyển futsal Việt Nam tại World Cup vừa rồi như một cách để họ chứng minh: Futsal xứng đáng có “nhiều chỗ hơn” trong trái tim người hâm mộ Việt Nam. So với các đồng nghiệp sân 11, các tuyển thủ futsal đang có sự hy sinh nhiều hơn. Họ cũng tạo ra niềm tự hào bất tận cho người Việt Nam trên khắp năm châu.

Dẫu vậy, chiến tích của tuyển futsal Việt Nam chỉ mang tính thời điểm. Nó không sâu sắc, lan tỏa và được nhớ lâu như những trận đấu khiến người hâm mộ nức lòng như đội tuyển Việt Nam sân 11 người. Người ta có thể nhớ các tuyển thủ futsal của hiện tại, nhưng chỉ cần qua một vài tháng, tất cả lại trở về với những ký ức mờ mờ ảo ảo không rõ ràng. Với các tuyển thủ sân 11 thì khác, chỉ cần cầu thủ nào đó chơi một giải thành công, thậm chí chỉ cần tỏa sáng một trận quan trọng, anh ta sẽ được nhắc đến cả chục năm!

Sự gắng sức quên mình của các tuyển thủ futsal Việt Nam vừa rồi cũng chẳng có gì hơn ngoài mục đích: Muốn được quan tâm nhiều hơn!

Tuy nhiên, việc này phải khởi sự từ định hướng của người đứng đầu. Hệ thống đảm bảo để tổ chức được giải futsal, cũng như tư tưởng phát triển futsal nghiêng nhiều về phía Nam tạo ra sự mất cân đối cho sự phát triển chung.

Hiện nay, các khu vực ở miền Bắc, điển hình là Hà Nội rất ít khi có sân chơi futsal được khởi xướng. Hàng năm chỉ có các trường đại học tổ chức giải futsal chung cho sinh viên 1 giải duy nhất rồi thôi. Nó khác hẳn hàng trăm giải đấu sân 7 được tổ chức rộng rãi quanh năm ngày tháng ở Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Futsal là môn bóng đá đặc thù, những chiến tích ở World Cup như vừa qua chỉ mang lại sự hứng khởi ngắn hạn cho người hâm mộ chứ chưa kéo được nhiều người hiểu, yêu và sống chết với Futsal.

Sự hạn chế này đã ngăn cản những người thích và muốn theo đuổi môn futsal. Bởi, họ chẳng có điều kiện, chẳng có đất diễn mà chơi?! Mặt khác, để chơi được futsal thì phải có cơ sở vật chất phù hợp và đạt chuẩn. Điều này liên quan đến điều kiện kinh tế và không phải cứ muốn là được. Vì để xây dựng một nhà thi đấu đạt chuẩn, có thể tổ chức được một giải futsal là không đơn giản.

Tiếp đến, futsal vẫn là môn bóng đá đặc thù, tốn kém và “xa xỉ” hơn nhiều lần sân bóng 11 người hoặc sân 7 người. Dụng cụ của cầu thủ futsal cũng chuyên biệt, từ bóng, giày đến đồ bảo hộ. Nó không như kiểu “có gì dùng nấy” ở các sân bóng lớn và nhiều người hơn.

Để kết bài, tôi xin dùng câu nói của cố ông bầu của Trà Dilmah Hà Nội, đội đoạt chức VĐQG futsal đầu tiên: “Khi một môn thể thao không thể phổ biến rộng rãi, ít người có cơ hội tiếp cận thì việc hiểu được nó, yêu nó và sống chết với nó đương nhiên không nhiều!”.

Kỳ 1:Chưa được đầu tư đúng mức

MỚI - NÓNG