Phí hay giá vẫn phải bảo đảm quyền của dân

Phí hay giá vẫn phải bảo đảm quyền của dân
TP - Bên lề kỳ họp Quốc hội, chia sẻ với PV Tiền Phong quanh việc “thu phí” chuyển thành “thu giá” BOT, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rằng, dù gọi với tên gì đi nữa, thì điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Từ “thu giá” chưa từng được sử dụng!

Nếu nói về từ ngữ thì từ “thu giá” chưa từng được sử dụng. Tên gọi như vừa qua gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý... Tất nhiên, khi sử dụng dịch vụ phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó và tuân theo nguyên tắc thị trường. Theo tôi, trong trường hợp này, tên gọi nên là trạm bán vé, hay trạm kiểm soát vé, cũng giống như đi xem phim thì mua vé.

Còn nếu ngành Giao thông vẫn dùng chữ “giá” thì theo tôi phải dùng đầy đủ là trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp A, B, C…cung cấp. Mức giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm nhiều phương tiện qua lại sẽ giảm giá, còn nếu trạm ít người qua lại thì doanh nghiệp tăng giá.

Tuy nhiên, điều quan trọng là dù “thu phí” hay “thu giá” hay “thu tiền” cũng phải bảo đảm mức trả hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tới đây chúng ta còn phải thu hút đầu tư vào những con đường khác, do vậy cần phải có cơ chế thật hài hòa.

Về giá BOT, trước đây đã có đợt giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Lúc đó đã có những khuyến nghị, khuyến cáo việc thu tiền của người dân khi sử dụng dịch vụ BOT phải bảo đảm quyền và lợi ích của người dân. Rồi phải có đường dẫn song song để người dân đi khi không muốn sử dụng đường BOT. Hay những khuyến cáo từ mức thu, vị trí đặt trạm, vì trên thực tế có tình trạng con đường nhà đầu tư làm nằm ở đường nhánh, nhưng lại đặt trạm ở những con đường chính, gây bất bình trong nhân dân.

Việc Bộ GTVT cần quan tâm là rà soát khoảng cách vị trí giữa các trạm và mức thu phí của các trạm. Bộ cần thanh tra, kiểm tra, đếm số lượt các phương tiện giao thông đi qua trạm BOT, bảo đảm tính chính xác. Khi xảy ra thiếu minh bạch, cần xử lý quyết liệt.

Phí hay giá vẫn phải bảo đảm quyền của dân ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải: Các bộ cần kiểm soát chặt chẽ

Trong lĩnh vực BOT giao thông, dù gọi là “phí” hay “giá” cũng phải thực hiện đúng thẩm quyền, phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt phải chú ý đến lợi ích của nhân dân địa phương. Tất nhiên, muốn đi thì phải có đường, nhưng nhiều tuyến quốc lộ trước đây, nhà đầu tư chỉ “phủ lên” rồi thu phí là không hợp lý. Vì thế, vừa qua người dân sống gần các trạm BOT đã bức xúc với các chủ đầu tư, vì họ cảm thấy bị vi phạm lợi ích.

Việc chuyển từ “phí” sang “giá” thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Từ đó nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp. Tuy nhiên, dù cơ chế thị trường thì vẫn phải có sự kiểm soát của nhà nước, đặc biệt là những loại hàng hóa cung cấp dịch vụ công cộng như trạm thu phí BOT.

Dù có theo cơ chế thị trường, là đơn vị quản lý trực tiếp ngành, Bộ GTVT cũng phải có trách nhiệm với người dân. Kế đến là Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát. Mặt khác, người dân phải có quyền lựa chọn, nếu không muốn đi đường BOT, phải có tuyến đường khác để đi. Bên cạnh đó, người dân cũng phải có ý kiến khi nhà đầu tư đề xuất các phương án tăng giá.

Phí hay giá vẫn phải bảo đảm quyền của dân ảnh 2Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Phải nhìn vào bản chất sự việc

Chúng ta sống và làm việc theo luật, mà luật đã quy định “thu giá” thì gọi là “thu giá”. Không phải luật quy định như vậy mà bây giờ chúng ta lại bảo không, vẫn cứ phải là “thu phí”, rồi quay lại bắt bẻ nhau, rằng từ điển tiếng Việt, rằng giá thế này, phí thế kia...

Có thể Luật Giá chưa bao hàm hết 100% vấn đề của xã hội, nhưng ít nhất nó cũng bao quát được 85-90% thì cứ để thực hiện đã, rồi chúng ta sẽ điều chỉnh. Bởi hàng năm và 5 năm một lần, các cơ quan chức năng đều có đánh giá lại luật ấy. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của Chính phủ. Và ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải riêng một bên nào.

Chúng ta phải nhìn vào bản chất sự việc, xem việc thu giá làm con đường đó có hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội địa phương hay không, có tạo thuận lợi cho người dân và có giúp ích cho phát triển hay không? Việc gọi là trạm BOT, hay trạm thu giá BOT, hay trạm thu phí BOT thì cũng chỉ là một cái tên gọi. Ví dụ như ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H, là Cà…thì chuyện đó cũng không quan trọng, vì gọi là tên gì thì vẫn là em.

MỚI - NÓNG