Trao đổi với Tiền Phong, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, đơn vị đầu tư đưa ra các nhận định về tính khả thi trong bối cảnh hiện nay nhưng các hệ lụy sau đó còn chưa tính tới. “Việc xây dựng các trạm thu phí sẽ chiếm một phần diện tích mặt đường, tạo vật cản khiến các phương tiện lưu thông qua đây phải chạy với tốc độ chậm. Khi thu phí sẽ xảy ra tình trạng né trạm, lúc đó các con hẻm sẽ trở thành điểm kẹt xe. Xây các trạm thu phí còn gây mất cảnh quan đô thị…” TS. Cương nói.
Cùng quan điểm này, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đô thị cho rằng, TPHCM cần phải có lộ trình, nghiên cứu rõ ràng để tránh “dẫm lên vết bánh xe” của một số nước khác. Hiện nay một số nước áp dụng mô hình này, có thành công nhưng cũng không ít thất bại. Thế giới có những nơi thành công như Singapore, London… nhưng những nơi này muốn thành công cũng phải mất 50-60 năm, nơi nào nhanh thì cũng phải hơn 20 năm. Trong khi đó, nhiều nước khác đã thất bại. Vì vậy cần phải nghiên cứu, tính toán, phân tích kỹ nhu cầu đi lại của người dân.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, việc thu phí ô tô vào trung tâm chỉ tăng gánh nặng lên người dân, thêm các khoản phí khác chứ không giảm được kẹt xe.
“Thu phí để người dân sợ hãi mà không vào trung tâm là điều rất khó, không khả thi. Bởi khi có nhu cầu, phương tiện công cộng không đáp ứng được thì có thu phí bao nhiêu thì người dân cũng phải nộp tiền rồi ùn ùn vào trung tâm như thường. Người ta có tiền người ta cứ vào thoải mái, khi đó đường vẫn kẹt thì xử lý như thế nào? Tôi cho rằng đây chỉ là kiểu quản lý hành chính thôi”, ông Ninh nói và cho rằng, vấn đề quan trọng để giảm kẹt xe khu vực trung tâm thì nên có phương án quản lý các làn giao thông, giải pháp tổ chức cho người dân đi lại như thế nào cho hợp lý. “Thu phí để chống ùn tắc vậy có cấm người dân vào nội đô không? Trong khi trung tâm TPHCM là nơi tập trung các dịch vụ vui chơi giải trí, cơ quan hành chính, nhu cầu sử dụng ô tô của người dân ngày một tăng cao trong khi đường sá chật hẹp, hạ tầng không đáp ứng”, ông Ninh nói.
Bên cạnh đó, việc thu phí ô tô sẽ phát sinh thêm lượng lớn xe máy vì người dân sẽ chuyển từ đi ô tô sang xe máy vào trung tâm. Hiện nay TPHCM có gần 8 triệu xe máy, nếu lượng phương tiện này phát sinh thêm nữa sẽ gây nên nhiều áp lực giao thông khác.
Phí chồng phí?
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng việc áp dụng thu phí để hạn chế phương tiện vào nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem lại mức phí để tránh phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải vì hiện nay họ đã phải chịu rất nhiều các khoản phí.
“Việc thu phí này liệu sẽ làm tăng giá vận tải hành khách, hàng hóa… khi hiện nay các doanh nghiệp phải gánh phí BOT, phí cầu đường… làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách trong nước với các quốc gia trong khu vực? Vì vậy cần phải xác định mức phí và thời gian thu phí để tránh ảnh hưởng đến giá dịch vụ”- ông Tính cảnh báo. Ngoài ra, ông đề xuất việc lập vành đai thu phí cần phải tính đến phương án cho người dân đi xuyên trung tâm thành phố, những bãi đậu xe ở vành đai để người dân có nơi gửi xe.
Đồng quan điểm này ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho biết, với mỗi xe taxi ra vào vành đai mà thu 30.000 đồng một lượt thì người chịu thiệt là hành khách. “Người ta đi taxi hết 20.000, qua vành đai bắt nộp thêm 30.000 nữa thì chắc chắn người dân không chịu, khi đó họ sẽ phản ứng. Cần xem lại mức phí để tránh ảnh hưởng người dân”, ông Hỷ nói. Trong khi ông Bùi Văn Quản- Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM khẳng định việc thu phí ô tô vào trung tâm sẽ làm cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa thêm khó khăn vì tăng phí vận chuyển. “Vấn đề ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân khác như quy hoạch đô thị chưa hợp lý, cao ốc chung cư mọc lên nhiều thu hút người dân tập trung sống và làm việc mới là nguyên nhân chính. Thu phí ô tô vào trung tâm chưa giải quyết được gốc rễ nạn kẹt xe”- ông Quản nói thẳng.