Phi công ‘căng như dây đàn’ khi bay qua khu vực Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông khiến phi công và nhiều hãng bay châu Âu vô cùng lo ngại về tính an toàn.

Nơm nớp lo sợ khi bay qua Trung Đông

Chia sẻ với hãng tin Reuters ngày 11/12, một phi công giàu kinh nghiệm yêu cầu được giấu tên vì sợ mất việc (gọi tắt là A) của Hãng hàng không Wizz Air (Hungary) cho biết, hồi cuối tháng 9 ông đã vô cùng lo lắng và phải cầu nguyện sau khi biết máy bay của mình sẽ bay qua Iraq vào ban đêm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel ngày càng gia tăng.

Đáp lại nỗi lo của phi công, hãng bay chỉ giải thích rằng đường bay thời điểm ấy đã an toàn và A. phải điều khiển máy bay mà không đưa ra lời giải thích nào thêm. Tuy nhiên sau đó nỗi bất an của A. đã được chứng minh là đúng khi Iraq tuyên bố đóng cửa không phận vì Iran bắn tên lửa vào Israel hồi tháng 10.

Theo dữ liệu của Eurocontrol, Trung Đông là hành lang hàng không quan trọng đối với các chuyến bay đến Ấn Độ, Đông Nam Á và Úc. Năm ngoái, có tới 1.400 chuyến bay đi và đến châu Âu qua lại mỗi ngày ở khu vực này. Đồng thời, các cuộc tranh luận về an toàn khi bay qua khu vực Trung Đông diễn ra chủ yếu ở châu Âu vì phi công ở đây được các công đoàn bảo vệ, không giống như những nơi khác trên thế giới.

Phi công ‘căng như dây đàn’ khi bay qua khu vực Trung Đông ảnh 1

Các cuộc tranh luận về an toàn khi bay qua khu vực Trung Đông diễn ra chủ yếu ở châu Âu. Ảnh minh họa: Reuters.

Reuters đã xem xét 9 lá thư chưa công bố từ bốn công đoàn châu Âu đại diện cho phi công và phi hành đoàn, bày tỏ lo ngại về an toàn hàng không ở các quốc gia Trung Đông. Những lá thư được gửi đến từ các hãng hàng không như Wizz Air, Ryanair, airBaltic, Ủy ban Châu Âu (EC) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) từ tháng 6 đến tháng 8.

"Không ai nên bị ép buộc làm việc trong một môi trường nguy hiểm như vậy, không có lợi ích thương mại nào được quan trọng hơn sự an toàn và sức khỏe của những người trên máy bay", trích một lá thư gửi tới EASA và EC từ liên đoàn phi hành đoàn Romania FPU Romania ngày 26/8.

Trong những lá thư khác, nhân viên hàng không yêu cầu các hãng bay minh bạch hơn đối với quyết định của họ về các tuyến bay và yêu cầu có quyền từ chối các tuyến bay nguy hiểm.

Chi phí bay tăng cao vì căng thẳng Trung Đông

Theo Air France, vào ngày 1/10, khi Iran dồn dập phóng hàng trăm tên lửa tấn công Israel, các hãng hàng không đã phải chuyển hướng hàng chục máy bay khỏi khu vực bị ảnh hưởng ở Trung Đông.

Việc sử dụng tên lửa trong khu vực đã gợi lại ký ức về vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine năm 2014, và chuyến bay PS752 của Hãng hàng không Ukraine International Airlines trên đường từ Tehran năm 2020.

Ba phi công và hai chuyên gia an toàn hàng không chia sẻ với Reuters rằng nỗi lo lắng hàng đầu của ngành hàng không là bị bắn hạ ngoài ý muốn, trong bối cảnh chiến tranh hỗn loạn, cùng với nguy cơ phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong dựa trên dữ liệu từ dịch vụ theo dõi FlightRadar24, các hãng hàng không bao gồm Lufthansa và KLM không còn bay qua Iran, còn các hãng hàng không bao gồm Etihad, flydubai, Aeroflot và Wizz Air vẫn bay qua không phận nước này cho đến ngày 2/12.

Đáng chú ý, một số hãng hàng không châu Âu bao gồm Lufthansa và KLM cho phép phi hành đoàn từ chối các đường bay mà họ cảm thấy không an toàn, nhưng một số hãng khác như Wizz Air, Ryanair và airBaltic thì không.

Tổng Giám đốc điều hành AirBaltic Martin Gauss cho biết hãng hàng ý không của ông đáp ứng tiêu chuẩn an toàn quốc tế và không cần phải điều chỉnh. Trong khi đó, Ryanair - hãng bay thỉnh thoảng bay tới Jordan và Israel cho đến tháng 9 - cho biết họ đưa ra quyết định về an ninh dựa trên hướng dẫn của EASA.

"Nếu EASA nói rằng an toàn thì thành thật mà nói chúng tôi không quan tâm đến suy nghĩ của các công đoàn hay phi công", Tổng Giám đốc điều hành Ryanair - Michael O'Leary - trả lời Reuters vào tháng 10 khi được hỏi về mối lo ngại về an ninh của nhân viên.

Phi công ‘căng như dây đàn’ khi bay qua khu vực Trung Đông ảnh 2

Việc lựa chọn bay qua Trung Á hoặc Ai Cập và Ả Rập Xê Út để tránh các điểm nóng ở Trung Đông sẽ gây thiệt hại cho các hãng hàng không. Ảnh minh họa: Reuters.

Xác nhận trên mạng xã hội X với PV Tiền Phong, đại diện EASA cho biết họ đã tham gia một số cuộc trao đổi với các phi công và hãng hàng không về vấn đề an toàn đường bay trong những tháng gần đây liên quan đến Trung Đông, đồng thời nói thêm rằng việc kỷ luật nhân viên vì nêu lên mối lo ngại về an toàn sẽ đi ngược lại "văn hóa công bằng" nơi nhân viên có thể nêu lên mối lo ngại.

Theo dữ liệu mới nhất từ Osprey Flight Solutions, tháng trước, 165 tên lửa đã được phóng vào các khu vực xung đột ở Trung Đông, trong khi tháng 11/2023 là 33 tên lửa. Tuy nhiên, không phận chỉ bị hạn chế nếu một quốc gia quyết định đóng cửa nó, như trường hợp của Ukraine vào năm 2022.

Các hãng thông tấn thế giới đánh giá, việc lựa chọn bay qua Trung Á hoặc Ai Cập và Ả Rập Xê Út để tránh các điểm nóng ở Trung Đông sẽ gây thiệt hại cho các hãng hàng không, vì máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn và một số quốc gia tính phí bay qua cao hơn.

Reuters dẫn ví dụ, theo hai kế hoạch bay ngày 31/8 của một hãng hàng không, hãng bay phải trả 4.760 USD phí bay quá cảnh cho một máy bay thương mại từ Singapore đến London-Heathrow qua Afghanistan và Trung Á, cao hơn khoảng 50% so với một tuyến bay qua Trung Đông. Do đó, một số hãng bay vẫn lựa chọn bay qua Trung Đông để tiết kiệm chi phí dù biết có nguy cơ nguy hiểm...

Theo Reuters, Eurocontrol, Air France, FlightRadar24
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.