Gián đoạn lớn nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố Mỹ
Sau khi Iran phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel trong đêm 13/4 nhằm đáp trả vụ Israel tấn công toà lãnh sự quán Iran ở Syria đầu tháng này, căng thẳng ở khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang.
Hiện một số hãng bay nổi tiếng trên thế giới đã thông báo điều chỉnh hướng khai thác tới khu vực Trung Đông. Theo Reuters cập nhật hôm nay, các hãng hàng không toàn cầu phải đối mặt với gián đoạn sau khi nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel. Điều này khiến thu hẹp lựa chọn cho các máy bay di chuyển giữa châu Âu và châu Á.
Ít nhất hàng chục hãng hàng không đã phải hủy hoặc định tuyến lại các chuyến bay trong hai ngày qua, bao gồm: Qantas (Australia), Lufthansa (Đức), United Airlines (Mỹ), Air India (Ấn Độ).
Các hãng bay không di chuyển qua các nước Trung Đông ngày 14/4. Ảnh: Flightradar24. |
Ông Mark Zee - chuyên giám sát không phận và sân bay - cho biết: "Đây là sự gián đoạn lớn nhất đối với việc di chuyển bằng đường hàng không kể từ cuộc tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Chúng tôi chưa gặp tình huống nhiều không phận khác nhau liên tiếp bị đóng cửa như hiện nay, và điều đó tạo ra sự hỗn loạn trong vài ngày tới”.
Ngoài ra, việc phải điều chỉnh lại hướng bay tiếp tục trở thành "đòn" giáng mạnh vào ngành hàng không quốc tế, vốn phải đối mặt với nhiều hạn chế do xung đột giữa Israel và Hamas, Nga và Ukraine.
Zee cho biết, không phận của Iran được các hãng hàng không đi lại giữa châu Âu và châu Á sử dụng. Vì vậy, chi phí vận hành một chuyến bay sẽ tăng mạnh nếu hãng bay chọn hướng qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và UAE.
Trong khi đó, các hãng hàng không lớn ở Trung Đông, bao gồm Emirates Airlines, Qatar Airways và Etihad Airways thông báo sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực sau khi hủy hoặc định tuyến lại một số chuyến bay.
Có ảnh hưởng các tour du lịch từ Việt Nam?
Đối với hoạt động du lịch, vấn đề căng thẳng địa chính trị khiến du khách Việt Nam không thể đến các điểm đến xung quanh Trung Đông. Chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành trong nước nhận định các địa danh hút khách Việt là Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Qatar (UAE), Oman, Ai Cập.
Tuy nhiên, các chuyến đi kể trên hầu hết được khai thác dưới hình thức theo yêu cầu của du khách. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá khu vực này rất nhạy cảm, không có tính ổn định nên không tổ chức tour du lịch định kỳ nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Do đó, các công ty đánh giá không bị ảnh hưởng nhiều tới doanh thu, tình hình tài chính nếu khu vực này gặp biến động ở không phận, không thể đưa khách đi bằng đường hàng không.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành Vietlux cho biết: "Trước đây, chúng tôi từng tổ chức nhiều chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ theo lựa chọn của du khách. Nhưng khi có bất kỳ thông tin thiếu an toàn nào thì sẽ ngưng. Các du khách hiện nay đều là những người sử dụng thông thạo công nghệ, do đó luôn cập nhật các thông tin thời sự trước khi quyết định du lịch nước ngoài".