Trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, nhóm bạn trẻ Việt Nam tham dự chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á (Jenesys) 2016 tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất khép kín của hãng đồ uống Asahi nằm dưới chân núi Phú Sĩ được ví như cô gái thẹn thùng, e ấp, thường giấu mình sau những đám mây.
Không làm bẩn môi trường
Giới thiệu với đoàn khách thăm, đại diện Asahi tự hào cho biết, dây chuyền sản xuất của hãng hoàn toàn khép kín, tự động để vừa khai thác mạch nước ngầm từ núi Phú Sĩ rồi tạo ra nhiều sản phẩm đồ uống, vừa bảo đảm không xả thải ra môi trường. Bã trà được dùng làm thức ăn gia súc. Những chai trà lỗi, bị loại khỏi dây chuyền sản xuất cũng được lọc sạch trước khi đổ ra sông.
Đến thăm một nhà máy của Jatco, hãng chế tạo bộ truyền động dùng cho xe hơi để cung cấp cho các hãng ô-tô lớn như Nissan và Mitsubishi, nhóm bạn trẻ Việt Nam được biết rằng, tất cả nước thải đều được xử lý bên trong nhà máy trước khi đổ ra bên ngoài. Khói bụi thải ra được công ty thuê xử lý, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất không xả thải ra môi trường.
Không chỉ có Asahi và Jatco, tỉnh Shizuoka, cách thủ đô Tokyo hơn 170km về phía đông nam Nhật Bản, còn là nơi tập trung hàng nghìn nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp. Vùng đất mà thủ lĩnh của phong trào Đông Du Phan Bội Châu dựng bia tri ân người bạn Nhật Bản Asaba Sakitaro nghĩa hiệp đã giúp đỡ ông trong lúc sa cơ ở xứ anh đào còn là nơi tiêu biểu cho bài học thành công của người Nhật với những mô hình tự động hóa, hệ thống khuyến khích đổi mới sáng tạo, cải tiến liên tục Kaizen, phương pháp quản lý 5S (Seiri - Sàng lọc, Seiton - Sắp xếp), Seiso - Sạch sẽ), Seiketsu - Săn sóc) và Shitsuke - Sẵn sàng)…
Jatco và Asahi là những ví dụ giúp giải thích tại sao môi trường ở một tỉnh công nghiệp như Shizuoka vẫn lý tưởng đến mức khó tin và đáng mơ ước, trong khi nhiều nước đang vật lộn với những cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng do xả thải bừa bãi. Ở Shizuoka, không khí trong lành, đường phố và ngõ ngách không bóng dáng rác dù rất ít thùng rác công cộng, vịnh biển xanh ngắt, ngay cả những kênh rạch hay rãnh nước nhỏ đều trong vắt.
Đồng thời phát triển nông nghiệp, du lịch
Shizuoka, quê hương của hai nhà sáng lập hãng Honda và Suzuki, đứng thứ ba Nhật Bản về giá trị sản xuất công nghiệp, với khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất ô-tô, xe máy, máy tính, điều hòa, giấy... gắn với hàng loạt thương hiệu mà người Việt biết đến như Honda, Yamaha, Canon, Meiji, Shiseido, Mitsubishi... tập trung trong 3 cụm công nghiệp. Trong khi đó, ngành nông nghiệp, khai thác hải sản ở đây vẫn phát triển mạnh. Shizuoka là nơi sản xuất hơn 70% sản lượng wasabi (mù tạt xanh) toàn quốc. Cây wasabi không thể phát triển nếu thiếu nguồn nước trong lành.
Vì biển không bị ô nhiễm, Shizuoka còn nổi tiếng với chợ cá Kashi-no-Ichi nằm bên bờ vịnh Shimizu - danh thắng được tạo nên bởi ngọn Phú Sĩ nằm tương phản bên vịnh nước sâu nhất Nhật Bản. Những người đến chợ cá Kashi-no-Ichi có thể thưởng thức các loại hải sản tươi, sạch và ngon. Đây là nơi khai thác cá ngừ nhiều nhất Nhật Bản, với khoảng một nửa lượng cá ngừ mà người dân cả nước tiêu thụ được đánh bắt và đưa vào cảng này. Shimizu nổi tiếng với loại cá sakura nhỏ, ebi (tôm sakura) và shirasu (cá trắng). Shizuoka còn là nơi sản sinh ra loại rượu sake thượng hạng và là thủ phủ sản xuất chè của Nhật Bản. Tỉnh này còn là một trong những vùng nghỉ dưỡng hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc nhờ cảnh đẹp của đỉnh núi cao nhất nước, những vùng chè xanh ngát, hoa anh đào rực rỡ và những dòng nước nóng giàu khoáng chất chảy từ núi Phú Sĩ. Thác Hiraito no taki (nằm trong top 100 cảnh quan đẹp của Nhật) được yêu thích bởi những dòng nước nhỏ, dài thơ mộng. Tuyết tan trên đỉnh Phú Sĩ tạo thành nước ngấm qua nhiều tầng lớp nham thạch và phải mất 20 năm để vượt qua quãng đường tương đương 1,5 giờ đi xe để xuất hiện dưới dạng dòng nước mát lành, tạo nên vẻ đẹp tượng trưng cho sự duyên dáng, tinh tế của người con gái. Những dòng nước chảy từ “quá khứ 20 năm” đến thác này đủ tinh khiết để có thể uống ngay tại chỗ.
Như những địa phương khác của Nhật Bản, Shizuoka, thành phố kết nghĩa với Huế của Việt Nam, bảo vệ nghiêm ngặt những cánh rừng nguyên sinh và danh thắng tự nhiên. Người Nhật sử dụng nhiều giấy và các sản phẩm từ gỗ, nhưng họ không tập trung khai thác, không phá rừng mà nhập hàng từ những nước khác, trong đó có Trung Quốc.