Phát hiện ô nhiễm, hãy gọi cảnh sát môi trường

Phát hiện ô nhiễm, hãy gọi cảnh sát môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên diện rộng từ thành thị đến nông thôn diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ người dân. Ông Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường cho biết : Sẽ lập đường dây nóng và website về vấn đề này.
Phát hiện ô nhiễm, hãy gọi cảnh sát môi trường ảnh 1
Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường.

Hầu hết các cơ sở mà Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an điều tra, kiểm tra đều vi phạm pháp luật về môi trường. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại tá.TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an về vấn đề này.

Sau thời gian đi vào hoạt động, thì sự phối hợp giữa cảnh sát môi trường với các cơ quan quản lý môi trường được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói sự phối hợp giữa Cục Cảnh sát môi trường với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đến nay được thực hiện rất tốt trên tất cả các lĩnh vực. Cục Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời cơ quan quản lý môi trường cũng tạo mọi điều kiện cho Cục cảnh sát môi trường ra mắt và sớm đi vào hoạt động.

Mới đây Cục Cảnh sát môi trường đã thành công trong việc di dời cơ sở ắc quy gây ô nhiễm ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, xin ông cho biết cụ thể?

- Chúng tôi nắm bắt tình hình qua đơn thư phản ánh của nhân dân tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội có một cơ sở sản xuất ắc quy vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã xác minh và làm rõ được hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường của cơ sở này.

Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu cơ sở này di dời. Giám đốc cơ sở đã chấp hành và cơ sở thực hiện di dời vào vào khu công nghiệp ngày 2.7.2007.

Thưa ông, một vấn đề "nóng" hiện nay là việc ô nhiễm các dòng sông mà nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra. Việc nắm bắt tình hình và xử lý các cơ sở sản xuất này được Cục Cảnh sát môi trường tiến hành như thế nào?

- Các sông như sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Thị Vải, sông Đồng Nai,... hiện nay đang từng bước biến thành những dòng sông "chết". Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp xả thải trực tiếp chất thải không qua xử lý xuống sông.

Đến nay, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các khu công nghiệp tập trung vẫn còn rất hạn chế. Việc khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tiến hành còn chậm chạp. Cơ quan bảo vệ môi trường cũng đã xử lý hành chính rất nhiều đơn vị, nhưng nhìn chung việc thực hiện hiệu quả vẫn chưa cao.

Ví dụ, Nhà máy dệt 8/3 xả trực tiếp nước thải ra sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy đã được yêu cầu phải di dời, nhưng 4 năm rồi vẫn chưa di dời được.

Hiện nay chúng tôi đang tiến hành điều tra cơ bản và sẽ mở một chuyên đề về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố, điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy trong thời gian qua, cơ quan Cảnh sát môi trường đã xử lý và khởi tố những doanh nghiệp nào vi phạm Luật Bảo vệ môi trường?

- Có thể nói, việc khởi tố đối với tội phạm môi trường rất khó.

Trong 10 điều, chương 17 Bộ luật Hình sự, thứ nhất yếu tố bắt buộc phải xử lý hành chính trước khi xử lý hình sự.

Thứ hai, là quy định phải xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng như thế nào là nghiêm trọng thì chưa có quy định cụ thể. Trong chương 17 chỉ có một điều duy nhất - Điều 186 về tội lây lan dịch bệnh, nếu để xảy ra thì khởi tố theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc khởi tố điều tra sẽ rất hạn chế.

Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo công an các địa phương khởi tố được một số vụ, trong đó có vụ công ty Ngọc Sơn (Quảng Nam) lợi dụng việc làm sạch lòng hồ để khai thác hơn 4.000 m2 gỗ rừng đầu nguồn. Theo đó, 3 đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam.

Công ty Thuận Thành (Quảng Trị) thực hiện dự án bò sữa có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh lở mồm long móng. Chúng tôi cũng đang củng cố hồ sơ và chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ này.

Ngoài ra, còn một số vụ như vụ khai thác thiếc đã chặt phá hàng chục cây thông hàng trăm năm tuổi tại Thung lũng Tình yêu ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Hiện tại, công an và UBND tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó có thể có cả lực lượng Cảnh sát môi trường, nếu có thì sẽ giải quyết thế nào?

- Cảnh sát môi trường hay bất kỳ một lực lượng nào khác cũng là con người, do đó, cũng có mặt trái. Chúng tôi sẽ phải chủ động ngăn ngừa, không để xảy ra sai phạm. Chúng tôi chủ động bằng cơ chế, chính sách pháp luật; bằng việc quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ; đảm bảo được điều kiện tối thiểu cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác và hoạt động nghiệp vụ.

Điều quan trọng nữa là phải đưa được các đoàn thể quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp cùng chúng tôi giám sát để sớm phát hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Tới đây chúng tôi sẽ lập đường dây nóng và website về vấn đề này.

Cuối cùng, tôi đề nghị bà con nhân dân hãy tuyên truyền giáo dục ngay tại gia đình mình thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường để đảm bảo môi trường sống trong lành.

Còn nếu ai vi phạm pháp luật tất nhiên sẽ phải xử lý.

Xin cám ơn Cục trưởng!

Theo Hoàng Huy
TC Bảo vệ Môi trường/Lao Động 

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.