Giống và loài mới có tên khoa học Binhthuanomon vinhtan được phát hiện trong chuyến khảo sát từ năm 2011 tại khu vực Núi Chùa (xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận). Cua có kích thước trung bình, mai màu đỏ tới nâu đỏ, càng và chân đỏ tươi. Chúng sống trong các hang sâu dưới lòng đất khoảng 50-100 mm, gần nguồn nước. Giống mới thường hoạt động vào buổi chiều tối cho tới gần sáng, thức ăn chủ yếu là các loài côn trùng và thực vật quanh suối.
Để có công bố này, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam mất khoảng 4 năm phân tích, tìm tòi với không ít khó khăn. Giữa năm 2011, trong một dự án điều tra khảo sát, các chuyên gia thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới đã tìm thấy mẫu cua trên. Tuy nhiên thời điểm đó chỉ thu được 2 cá thể, do mẫu vật ít cùng với điều kiện không cho phép, nghiên cứu phải tạm dừng.
Tháng 7/2014, nhà nghiên cứu Phan Doãn Đăng và Lê Văn Thọ quay lại tìm mẫu vật. "Địa hình dốc đứng nên đi lại rất khó khăn, chúng tôi phải thuê người địa phương dẫn đường đến đúng vị trí, rồi cắm trại để đến đêm đi tìm", anh Đăng kể.
Tập tính kiếm ăn ban đêm và chỉ xuất hiện nhiều khi trời mưa cùng địa hình gập ghềnh khiến việc tiếp cận mẫu vật của nhóm khó khăn. Anh Đăng và đồng nghiệp phải thức từ đêm đến sáng, sau rất nhiều lần đi lại cuối cùng nhóm cũng thu được 16 con cua và bắt đầu quá trình so sánh đối chiếu mẫu.
Khu vực tìm thấy cua là ở vùng núi đá có độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Chúng phân bố dọc 2 bên bờ ở tận cùng của một dòng suối nhỏ, phạm vi phân bố rất hẹp, khoảng 80 m dọc theo bờ suối và chiều rộng khoảng 30 m từ lòng suối. Đoạn suối nơi cua cư ngụ tương đối bằng phẳng. Tận cùng của dòng suối có nhiều tảng đá lớn, hiểm trở.
Cua có kích thước trung bình, mai có màu đỏ tới nâu đỏ, càng và chân đỏ tươi. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Khi có mẫu vật, Viện Sinh học Nhiệt đới kết hợp với tiến sĩ Đỗ Văn Tứ ở Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật nghiên cứu. Đối chiếu với một số mẫu vật từ trước, với công bố nước ngoài cùng sự giúp đỡ về tư liệu của chuyên gia thế giới trong hơn một năm, cuối tháng 11/2015, nhóm đã công bố giống cua mới.
"Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đó là loài mới, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ xác định không chỉ là loài mới mà còn là giống mới cho khoa học. Chúng tôi càng vui mừng hơn khi nghiên cứu được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, bởi đối với nhà nghiên cứu trẻ thì việc này không dễ", tiến sĩ Đỗ Văn Tứ nói.
Theo tiến sĩ Tứ, nghiên cứu này góp phần tạo cơ sở cho công tác bảo tồn đa dạng cho cua nước ngọt nói riêng cũng như đa dạng thủy sinh vật Việt Nam nói chung. "Vẫn còn nhiều loài cua nước ngọt của Việt Nam chưa được giới khoa học biết tới. Chúng đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do sự suy thoái và phá hủy môi trường sống", tiến sĩ Tứ nói.