Theo Business Insider, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế phát hiện ba hành tinh có kích thước giống Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn ở khoảng cách thích hợp, tạo điều kiện cho sự sống phát triển. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 2/5.
"Nếu chúng ta muốn phát hiện sự sống ở những nơi khác trong vũ trụ. Đây là nơi chúng ta nên bắt đầu tìm kiếm", Michaël Gillon, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn TRAPPIST tại Chile để theo dõi một ngôi sao lùn màu đỏ có kích thước bằng 1/8 Mặt Trời, có nhiệt độ thấp hơn một nửa và độ sáng thấp hơn Mặt Trời 2.000 lần. Ánh sáng của ngôi sao này mờ đi ở những khoảng thời gian nhất định, chứng tỏ phải có một số hành tinh quay xung quanh nó.
"Tại sao chúng tôi cố gắng phát hiện các hành tinh giống Trái Đất xung quanh những ngôi sao nhỏ nhất và lạnh nhất trong vùng lân cận hệ Mặt Trời? Lý do rất đơn giản: hệ thống xung quanh những ngôi sao nhỏ bé này là nơi duy nhất chúng ta có thể tìm thấy hành tinh chứa sự sống bằng công nghệ hiện tại", Gillon nói.
Hành tinh thứ ba nằm xa nhất có thể thuộc vùng sinh sống của ngôi sao. Hai hành tinh còn lại ở vị trí gần hơn có một mặt luôn quay về phía ngôi sao, khiến một nửa hành tinh luôn là ngày và nửa còn lại luôn là đêm.
Nếu các hành tinh có bầu khí quyển hoặc thậm chí cả đại dương, nhiệt độ chiếu sáng từ ngôi sao sẽ phân bố đồng đều hơn, tạo ra khu vực thích hợp cho sự sống phát triển.
"Những hành tinh này ở rất gần và ngôi sao của chúng khá nhỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu khí quyển và cấu tạo của chúng để đánh giá xem sự sống có tồn tại hay không", Julien de Wit, đồng tác giả nghiên cứu tại Khoa Trái đất, Khí quyển và Khoa học hành tinh (EAPS) thuộc Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, cho biết.
Phát hiện trên mở ra hướng nghiên cứu trong tương lai đối với các ngôi sao lùn khác. Khoảng 3/4 số sao trong dải Ngân Hà (Milky Way) và 15% ngôi sao gần Mặt Trời đều là sao lùn.