Khi chính quyền Tổng thống Barack Obama rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, Paris trở thành một nhà lãnh đạo mới trong các chiến dịch can thiệp quân sự từ Tây Phi đến Libya và Syria. Lực lượng Pháp đang được triển khai chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan từ Mauritania đến Chad và tham gia không kích chống IS ở Iraq và Syria.
Theo Wall Street Journal, trong tháng 11, lần đầu tiên kể từ năm 2007, không có tàu sân bay Mỹ hoạt động ở vùng Vịnh. Thay vào đó là tàu sân bay của Pháp Charles de Gaulle hoạt động ở vùng Vịnh trong nhiều ngày tới nhằm thể hiện quyết tâm của phương Tây trong việc chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cuộc tấn công đẫm máu tại Paris đêm 13/11 càng làm tăng cường hơn nữa sự tham gia của Pháp và gia tăng áp lực lên chính quyền Obama. Đó là lý do để bắt đầu hành động quyết đoán hơn đối với nhóm phiến quân đang kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria.
Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố hành động không nương tay với IS. Thủ tướng Manuel Valls cam kết, Pháp sẽ đáp trả IS với quyết tâm và ý chí lớn nhất để tiêu diệt tổ chức này.
Xe thiết giáp của quân đội Pháp trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Mali. Ảnh:Guardian.
Những thuận lợi
Vụ thảm sát đêm 13/11 khiến dư luận thế giới phẫn nộ. Hành động man rợ của những tên khủng bố là không thể chấp nhận. Pháp cần có hành động đáp trả thích đáng hoạt động khủng bố ở Paris. Việc Pháp mở rộng hoạt động không kích IS nhận được sự ủng hộ của Anh, Mỹ và nhiều nước phương Tây.
Francois Heisbourg, nhà ngoại giao cao cấp, cố vấn tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, nhận định nước này có thể điều động thêm máy bay để mở rộng các đợt không kích. Bên cạnh đó, một lựa chọn khác là nới lỏng các quy tắc để triển khai lực lượng đặc nhiệm Pháp đến Syria.
Ngoài ra, Pháp có thể phối hợp với Mỹ, Anh - 2 đồng minh quan trọng - nhằm mở rộng hoạt động của lực lượng mặt đất. Lực lượng đặc biệt của Pháp và Mỹ có thể hợp tác trong hoạt động chung nhằm cung cấp thông tin cho các chiến dịch không kích.
Trung tướng về hưu Mark Hertling trao đổi với CNN rằng, Mỹ có thể bàn giao danh sách các mục tiêu đã được lên kế hoạch tấn công cho Pháp.
"Hành động quân sự là thông điệp chính trị mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh của Pháp trong việc đáp trả khủng bố", tướng về hưu James "Spider" Marks nói với CNN
Một giải pháp khác rất hữu hiệu là Pháp có thể phối hợp với các lực lượng dân quân chống IS như người Kurd. Trước đó, Không quân Mỹ đã phối hợp với dân quân người Kurd tái chiếm thị trấn Sinjar. Pháp có thể tăng cường các hoạt động phối hợp tương tự để gia tăng hiệu quả tiêu diệt IS.
Đặc nhiệm chống khủng bố BFST của quân đội Pháp trong một lần diễn tập. Ảnh: Lecos. Khó khăn
Quy mô quân đội Pháp lớn nhất các nước Tây Âu và họ không bị sa lầy ở Afghanistan và Iraq như quân đội Anh. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ châu Âu phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ, quy mô quân đội Pháp vẫn còn tương đối nhỏ và trở nên quá tải với việc triển khai kéo dài ở Tây Phi và Trung Đông.
Trong khi đó, Mỹ có năng lực quân sự lớn hơn nhiều so với Pháp, Washington có thể gia tăng đáng kể cuộc chiến chống IS nếu muốn. Trong những năm cao điểm chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã điều động lực lượng còn lớn hơn quy mô quân đội Pháp. Còn Paris khó lòng có thể mở rộng các hoạt động hơn nữa ngoài các cuộc không kích.
“Giải pháp chính trị đã được lựa chọn, nhưng khả năng về những lựa chọn khác vẫn còn để ngỏ, nguồn lực của Pháp không phải là vô tận”, Mathieu Guidere, chuyên gia về khủng bố và Hồi giáo cực đoan tại Đại học Toulouse, nói.
Hoạt động triển khai lực lượng lớn nhất của Pháp ở nước ngoài là chiến dịch Barkhane nhằm tiêu diệt những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Sahara và Sahel vào năm 2013. Chiến dịch nhằm ngăn chặn các chiến binh Al Qaeda liên kết với nhau từ phía bắc Mali. Lực lượng gồm 3.500 quân cùng chiến đấu cơ Rafale, Mirage-2000 cùng máy bay không người lái được triển khai để tuần tra một khu vực rộng lớn.
Hiện tại, quân đội Pháp chưa có kế hoạch triển khai lực lượng mặt đất. Nhưng việc mở rộng không kích đã cho thấy quyết tâm của Pháp trong cuộc chiến với IS.