Kỳ án gỗ trắc, ông Trương Huy Liệu bắt đầu thi hành án tù

Bị cáo Trương Huy Liệu tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo Trương Huy Liệu tại phiên tòa phúc thẩm
TP - Ông Liệu sau một thời gian dài điều trị các bệnh về tim mạch, huyết áp cao và vai gáy nay phải thi hành án.

Ngày 14/3 gia đình ông Trương Huy Liệu (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết ông Liệu đã bắt đầu thi hành án vào ngày 12/3/2020 theo bản án phúc thẩm tại Công an huyện Hướng Hóa. Thông tin này cũng đã được cơ quan chức năng huyện Hướng Hóa xác nhận. Được biết ông Liệu sau một thời gian dài điều trị các bệnh về tim mạch, huyết áp cao và vai gáy nay phải thi hành án. Hiện gia đình lo ngại vì theo họ sức khỏe ông Liệu vẫn chưa ổn định.

Vụ án này được báo Tiền Phong theo dõi, phản ánh suốt nhiều năm qua.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2011 bà Trần Thị Dung (SN 1961) cùng chồng là ông Trương Huy Liệu (SN 1959) là giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng (có trụ sở tại Lao Bảo) khi đưa lô gỗ khai báo là gỗ trắc 535,8 m3 nhập khẩu từ Lào về - sau khi đã làm thủ tục Hải quan và nộp thuế thì bị cơ quan chức năng bắt giữ ở thành phố Đà Nẵng với tội danh buôn lậu. Cụ thể vợ chồng ông Liệu bị cáo buộc buôn lậu 78,8m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương.

Kỳ án gỗ trắc, ông Trương Huy Liệu bắt đầu thi hành án tù ảnh 1

Ông Liệu khi chưa xử phúc thẩm

Phiên tòa hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng ngày 23/8/2018 đã tuyên ông Trương Huy Liệu mức án 1 năm 16 ngày tù, đúng bằng thời gian tạm giam ông nên được trả tự do ngay tại tòa; bà Trần Thị Dung 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Ba  công chức Hải quan liên quan bị buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 6 tháng đến 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử cũng tuyên trả lại tài sản cho vợ chồng ông Trương Huy Liệu gần 63 tỷ đồng là số tiền bán đấu giá lô gỗ nói trên.

Vợ chồng ông Trương Huy Liệu đã kháng án. Phiên tòa phúc thẩm của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng ngày 3/7/2019 đã tăng hình phạt với ông Trương Huy Liệu với với mức án 7 năm tù giam, bà Trần Thị Dung 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa phúc thẩm cũng kết luận: “Số vật chứng được tính thành tiền còn lại là 59.690.076.000 đồng, do không có cơ sở kết luận các bị cáo buôn lậu” nên HĐXX quyết định “Chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai thực tế về tên hàng”. Sau đó, ngày 5/11/2019 Tổng Cục trưởng Hải quan đã ký quyết định tịch thu tang vật sung công quỹ.

 Đây là kỳ án thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Kéo dài gần 8 năm, vụ án đã được đưa ra xét xử 4 lần, trong đó 3 lần TAND TP Đà Nẵng yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điểm vướng mắc khiến vụ án này kéo dài chính là lô gỗ tang vật của vụ án đã bị cơ quan điều tra C44 (Bộ Công an) đem bán vào năm 2014 dù vụ án chưa được đưa ra xét xử. Lô gỗ tang vật được bán 63 tỷ đồng trong lúc theo Công ty Ngọc Hưng thì thời điểm đó trị giá 315 tỷ đồng.

Trong quá trình vụ án được điều tra, anh Trần Đình Quang, một nhân viên Công ty Ngọc Hưng sau khi từ cơ quan điều tra về đã bất ngờ treo cổ tự tử, để lại di thư tuyệt mệnh và đơn thư gởi đến Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan chức năng tố cáo mình bị đánh đập ép cung. Vụ án đã kéo dài từ 2011 đến nay mà vẫn chưa kết thúc.

Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh chỉ đạo bán lô gỗ trắc bị khởi tố với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ban Dân nguyện và Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiên trì cùng các bị cáo Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung kêu oan, yêu cầu cơ quan tố tụng trung ương liên quan xem xét, tiến hành thủ tục giám đốc thẩm. Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao hoãn thi hành án phạt tù với ông Trương Huy Liệu nhưng không được chấp thuận.

Được biết Công ty Ngọc Hưng vừa khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về quyết định hành chính tịch thu tang vật gỗ trắc (đã bị bán đấu giá, nay còn lại gần 60 tỷ đồng) đến TAND tỉnh Quảng Trị.       

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.