Kỳ án gỗ trắc: Nâng án tù lên 7 năm với bị cáo Trương Huy Liệu

TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (thứ 2 từ phải sang) 7 năm tù, bị cáo Trần Thị Dung (ngoài cùng bên phải) 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “Buôn lậu”. Ảnh: Giang Thanh
TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (thứ 2 từ phải sang) 7 năm tù, bị cáo Trần Thị Dung (ngoài cùng bên phải) 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “Buôn lậu”. Ảnh: Giang Thanh
TP - Sau 2 tuần nghị án, ngày 26/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Lao Bảo, Quảng Trị). 

Căn cứ vào kết luận giám định 783 ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện ST&TNSV), HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1959, Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7 năm tù giam, bị cáo Trần Thị Dung (SN 1961, Giám đốc Công ty) 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Buôn lậu” hơn 78,8m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương

Công ty không làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu

HĐXX nhận định Công ty Ngọc Hưng có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ, thời điểm đó, các quy định cũng cho phép nhập khẩu gỗ trắc từ Lào. Theo lời khai của bị cáo Liệu, Công ty Ngọc Hưng có mua bán gỗ với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào. Tuy nhiên, thời điểm đó, ở Lào muốn xuất khẩu gỗ trắc phải có giấy phép. Vì vậy, đối tác người Lào là ông Đom và ông Hóm khai không mua bán gỗ với Công ty Ngọc Hưng vì sợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Lào.

Lời khai của nhân chứng Trần Đình Quang là một tình tiết quan trọng của vụ án, tuy nhiên, Quang đã tự tử và để lại di thư cho rằng bị ép cung. Cơ quan CSĐT cũng không tìm được bản gốc lời khai của Quang ngày 20/5/2013 nên chưa có căn cứ thể hiện lời khai của Quang là có cơ sở.

HĐXX cũng cho rằng, các hợp đồng kinh tế của Công ty 407 và Tâm Tâm với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào là có thật. Kết luận giám định số 4312/C54-P5 ngày 24/10/2016 chỉ rõ các mẫu con dấu chữ ký trên các hợp đồng này đồng nhất với hợp đồng kinh tế của Công ty Ngọc Hưng. Vì vậy, việc VKS đề nghị dùng Kết luận giám định số 5300/C54-P5 ngày 01/11/2017 (đối chiếu với chữ ký và con dấu chữ ký trên tài liệu thu thập năm 2016) là chưa phù hợp.

Công ty Ngọc Hưng đã làm đầy đủ thủ tục hải quan nhập khẩu, vì vậy, không đủ căn cứ chứng minh Công ty này làm giả hồ sơ nhập khẩu gỗ trắc vào Việt Nam. “Nếu có thì Công ty Ngọc Hưng cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bộ hồ sơ xuất khẩu của đối tác tại Lào, điều này, Bộ Công Thương đã 2 lần có công văn khẳng định”, ông Phạm Việt Cường, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa nói.

Kết luận giám định 783 là cơ sở luận tội

HĐXX nhận định kết luận giám định 783 ngày 26/11/2012 của Viện ST&TNSV đảm bảo về mặt pháp lý và đúng về phương pháp giám định nên được dùng làm căn cứ xét xử vụ án. Theo HĐXX, việc ban hành công văn mời Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định của Viện ST&TNSV là không đúng quy định. “Nhẽ ra sau khi nhận được quyết định trưng cầu giám định số 01 ngày 27/2/2012 của C44, Viện ST&TNSV phải từ chối giám định về lĩnh vực không có chuyên môn để C44 tiếp tục trưng cầu cơ quan có chuyên môn xác định khối lượng gỗ cùng tham gia. Nhưng Viện ST&TNSV lại ban hành công văn số 654 ngày 30/8/2012 và số 642 ngày 9/9/2012 mời Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định là chưa đúng quy định”, chủ tọa phiên tòa nêu.

Tuy Kiểm lâm vùng 2 chỉ được Viện ST&TNSV mời giám định, không được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và các thành viên tham gia giám định chưa được Bộ Tư pháp công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc (quy định tại điều 11 của Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004) nhưng theo quy định tại khoản 8 điều 12, khoảng 3 điều 37 Pháp lệnh giám định tư pháp, những thành viên nêu trên không thuộc các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp.

Tại biên bản cuộc họp ngày 13/9/2012, Viện ST&TNSV, Kiểm lâm vùng 2, C44, Vụ 1 - VKSNDTC, Cục điều tra chống buôn lậu đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan tiến hành giám định. HĐXX cho rằng, theo tinh thần được quy định tại khoản 2 điều 24 Luật Giám định tư pháp năm 2012, các thành viên này có đủ điều kiện, kiến thức chuyên môn, tuy không thuộc danh sách đã công bố nhưng được quyền giám định.

Theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505 ngày 17/10/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu 535,8m3 gỗ trắc. Đối chiếu với kết luận 783, bị cáo Liệu và Dung đã không khai báo hơn 78,8m3 gỗ (trong đó có 23,8m3 gỗ giáng hương và hơn 55m3 gỗ trắc) khi làm thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu lô gỗ, giá trị số gỗ vi phạm là hơn 4,1 tỷ đồng. Hành vi này cấu thành tội “Buôn lậu”.

“Mặc dù bị cáo Liệu nhập khẩu xuất khẩu gỗ trắc, không biết trong lô gỗ có gỗ giáng hương nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cũng thừa nhận nếu có thì hành vi của mình là vi phạm. Còn bị cáo Trần Thị Dung không biết về hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu gỗ, chỉ kí hồ sơ theo yêu cầu, có vai trò không đáng kể. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ với các bị cáo”, chủ tọa phiên tòa nêu.

Về vật chứng vụ án, lô gỗ trắc đã bị bán đấu giá trước khi xét xử sơ thẩm nên số tiền thu được khi bán đấu giá lô gỗ là 63,8 tỷ đồng được coi là vật chứng vụ án. HĐXX sẽ tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,1 tỷ đồng là trị giá của 78,8m3 gỗ trắc và giáng hương vi phạm. Đối với số tiền còn lại (gần 59,7 tỷ đồng), do không có cơ sở để chứng minh các bị cáo buôn lậu nên sẽ chuyển cho Tổng cục Hải quan xem xét về hành vi vi phạm hành chính do khai sai với thực tế về tên hàng.

Theo HĐXX, bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành (nguyên là cán bộ Chi cục hải quan Cảng Cửa Việt) đã tiến hành kiểm hóa lô gỗ khi chưa được tập kết đầy đủ tại Cảng Cửa Việt (lúc kiểm hóa chỉ có 4 container, sau đó 7 xe đến Cảng và 11 xe không đến) dẫn đến việc không phát hiện số gỗ buôn lậu.Vì vậy, HĐXX tuyên các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành 9 tháng tù treo; kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo Nhi, Thành và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

MỚI - NÓNG