Trong khi đó, 4 triệu người xuống đường để thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ tự do ngôn luận, tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp được cho là khó có thể hàn gắn.
Một vạn lính Pháp bắt đầu làm nhiệm vụ từ hôm nay (13/1), tại các khu vực nhạy cảm nhất, BBC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ông Drian cho biết, đây là sự huy động quân đội lớn nhất từ trước đến nay trong lòng nước Pháp, và rất cần thiết vì “những mối đe dọa vẫn hiện hữu”. Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazaneuve thông báo, gần 5.000 thành viên lực lượng an ninh sẽ được triển khai đến bảo vệ 717 trường học Do Thái.
Thông báo được đưa ra sau khi Nội các Pháp tổ chức phiên họp về khủng hoảng an ninh. Trong cuộc họp, Tổng thống Francois Hollande thông báo diễn biến mới nhất về điều tra các vụ tấn công, như phát hiện căn hộ thứ hai, nơi tay súng Amedy Coulibaly có thể đã dùng làm nơi cất giữ vũ khí. Giới chức Pháp cũng thảo luận các biện pháp cần thiết để chống lại phong trào cực đoan, như khả năng áp dụng Đạo luật Yêu nước của Pháp - như Mỹ đã làm sau sự kiện 11/9.
Tuy nhiên, giới chức Pháp dường như chưa muốn đưa ra sự thay đổi lớn về luật pháp, mà tập trung hơn vào việc nâng cao các biện pháp về nhân lực và vật lực cho đội ngũ tình báo, đồng thời chống lại vấn đề cực đoan hóa ngày càng tăng trong các nhà tù, BBC đưa tin. Tuần trước, chính quyền Pháp thừa nhận đã “thất bại rõ ràng” về việc xử lý 3 tay súng, gồm anh em nhà Said và Cherif Kouachi cùng Amedy Coulibaly, có tiểu sử cực đoan.
Trước cuộc tuần hành hôm Chủ nhật tại Paris, một video được phát hiện mà trong đó Coulibaly thề phục tùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong đoạn phim này, Coulibaly cũng nói hắn đang hợp tác với anh em nhà Kouachi. Còn anh em nhà Kouachi tuyên bố chúng hành động đại diện cho tổ chức al-Qaeda chi nhánh ở Yemen. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, rất khó có khả năng IS và al-Qaeda, hai đối thủ ở Trung Đông, cùng lên kế hoạch tấn công với nhau. Cảnh sát Pháp vẫn đang truy lùng đồng phạm của 3 tay súng, trong đó có bạn gái của Coulibaly là Hayat Boumeddiene.
Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua tham vấn các quan chức an ninh và tình báo về khả năng phản ứng của Anh trước các vụ tấn công tương tự ở Pháp.
Nước Pháp chia rẽ
Hôm Chủ nhật (giờ Pháp), ước tính 3,7 triệu người xuống phố để thể hiện sự chia buồn với gia đình các nạn nhân và sự đoàn kết, quyết tâm chống khủng bố, bảo vệ tự do báo chí, tự do biểu đạt. Khoảng 40 lãnh đạo thế giới cùng xuống đường, tay trong tay để thể hiện sự đoàn kết. Theo nhiều nhà phân tích, dù cuộc tuần hành rầm rộ ở Paris phản ánh quyết tâm không chùn bước trước tội ác, nhưng sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp khó có thể hàn gắn dễ dàng.
Trang Facebook “Je ne suis pas Charlie” ủng hộ báo Charlie Hebdo nhận được hơn 21.000 like trong vài ngày qua. Hầu hết người Pháp theo đạo Hồi bày tỏ không ủng hộ bạo lực. Và phần lớn không ủng hộ hành động của những kẻ Hồi giáo cực đoan như anh em nhà Kouachi và Coulibaly. Nhưng họ cũng tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không tham gia phong trào toàn quốc ủng hộ những người đã phỉ báng nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi.
Và nhiều lần họ đã thể hiện sự phẫn nộ trước điều mà họ cho là tiêu chuẩn kép: Tại sao lại ầm ĩ như vậy trước cái chết của 17 người, trong khi hàng ngàn người đã thiệt mạng ở Gaza và Syria? Việc Charlie Hebdo chế nhạo đạo Hồi có đúng đắn khi truyện tranh Dieudonne M’bala M’bala gây tranh cãi bị truy tố vì chế nhạo đạo Do Thái? Tại sao một người bị cho là “kích động hận thù” trong khi những người khác thì không?
Buổi mặc niệm được tổ chức tại nhiều trường học ở các vùng ngoại ô nước Pháp, nơi có tỷ lệ dân nhập cư cao, để tưởng nhớ các nạn nhân Charlie Hebdo đã bị gián đoạn hoặc phớt lờ bởi nhiều học sinh, AP đưa tin. Những điều đó cho thấy nhiều phụ nữ và đàn ông Pháp cảm thấy sự gắn kết của họ với đạo Hồi, chứ không phải những giá trị Khai sáng ở châu Âu từ sau thế kỷ 18. Vì thế, nước Pháp được cho là không đoàn kết như phong trào rầm rộ trên đường phố những ngày gần đây, mà mối đe dọa đến từ những người bất mãn đang hiện hữu, giới quan sát nhận định.
Tổng thống Mỹ bị chỉ trích
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều tờ báo nước này về việc không tham gia cuộc tuần hành lớn tại Paris. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua lên tiếng cho rằng, việc chỉ trích không có quan chức cao cấp nào của Mỹ tham gia tuần hành là “không phân minh”, và cho biết ông sẽ lên đường sang Pháp vào thứ Năm. Ông cho biết, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland cùng Đại sứ Mỹ tại Pháp và nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã tham gia tuần hành. Ngoại trưởng Kerry đưa ra giải thích khi đang ở Ấn Độ, nơi ông tham gia một hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, CNN đưa tin.
Chủ báo Hong Kong bị tấn công
Nhà và văn phòng của ông Jimmy Lai, người sáng lập nhật báo Hong Kong Apple Daily, hôm qua bị tấn công bằng bom xăng, South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin. Một nhóm người ném thịt thối vào người ông Lai. Tòa soạn Apple Daily bị tấn công nhiều lần. Ông Lai là người ủng hộ việc tăng cường dân chủ ở Hong Kong. Gần đây, nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông cũng trở thành nạn nhân, trong đó có một cựu biên tập của tờ Ming Pao bị đâm bằng dao giữa phố.