Pháo lậu ồ ạt đổ vào các tỉnh phía Bắc

Pháo lậu ồ ạt đổ vào các tỉnh phía Bắc
Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tý vẫn còn khoảng 1 tháng. Cuộc chiến ngăn chặn pháo lậu vẫn đang được siết chặt từ vùng biên về đến các đô thị lớn. Thế nhưng, trên nhiều khu vực thuộc Hà Nội, Hạ Long, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định… tiếng pháo đã lẹt đẹt nổ.
Pháo lậu ồ ạt đổ vào các tỉnh phía Bắc ảnh 1
Cơ quan chức năng ở tỉnh Lạng Sơn bắt giữ vụ vận chuyển và tàng trữ pháo lậu ngày 20-12-2007 tại khu Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn

Ở Hà Nội, trung tâm của cả nước, học sinh không khó để săn tìm mua những gói pháo diêm, pháo sáng.

Đặc biệt, năm nay ở 2 khu vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn) - cửa ngõ của chợ pháo lậu - còn xuất hiện thêm những loại pháo mới rất nguy hiểm.

“Chợ” pháo lậu ngày càng náo nhiệt

Năm nay, hoạt động buôn bán pháo nổ ở các vùng biên diễn ra sớm hơn năm trước khoảng 2 tháng và càng gần dịp Tết Nguyên đán, hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng này càng có chiều hướng gia tăng với sự tham gia của nhiều đối tượng.

Khối lượng pháo lậu tuồn vào ngày càng lớn, bất chấp quy định ngày càng khắt khe của luật và sự tăng cường tuần tra, kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng, khiến cho cuộc chiến chống pháo lậu năm nay đầy gian nan.

Từ đầu tháng 9-2007, từ 2 cửa ngõ Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), “chợ” pháo lậu đã diễn ra rất sôi động. Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến cuối tháng 12-2007 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt được hơn 100 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu các loại với trữ lượng pháo tịch thu được lên tới 15 tấn - tăng gấp 2,6 lần so với năm trước. Điều đó chứng tỏ hoạt động buôn pháo lậu từ Trung Quốc vào nội địa đang ngày càng nghiêm trọng hơn chứ không hề giảm như mong đợi.

Để siết chặt vòng vây ngăn chặn pháo lậu, từ tháng 11-2007 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có ít nhất 3 lần ra văn bản chỉ đạo và huy động toàn bộ lực lượng gồm công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, hải quan, chính quyền địa phương… tham gia vào cuộc chiến chống buôn pháo lậu từ vùng biên Móng Cái vào địa bàn. Thế nhưng, số phi vụ buôn bán pháo lậu bị bắt vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Tương tự, ở vùng biên Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu cũng “nóng” như vậy. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, tính đến cuối tháng 12-2007 vừa qua, cơ quan chức năng ở cửa ngõ này cũng đã bắt được hơn 1 tấn pháo lậu các loại.

Tuy nhiên, một cán bộ của chi cục cũng phải thừa nhận, số lượng pháo lậu bắt được chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm lớn. Tình trạng buôn bán pháo lậu tại Tân Thanh và Đồng Đăng năm nay “náo nhiệt” hơn nhiều so với năm trước.

Theo ước tính, số phi vụ để lọt lưới không hề ít. Bằng chứng là mặc dù được bố trí tuần tra, chốt chặn, kiểm soát gắt gao suốt ngày đêm để chặn hàng lậu, pháo lậu nhưng các “mẻ” pháo lậu vẫn cứ rầm rập chạy về xuôi, tiếng pháo ở nhiều nơi vẫn đì đùng nổ.

Ở chốt Lạng Sơn, cứ 10 vụ buôn pháo lậu thì chỉ bắt được khoảng 1 vụ và làm được như vậy cũng đã là nỗ lực rồi. Bởi vì số lượng người tham gia vào “chợ” pháo lậu ngày càng đông đảo, trong đó có cả khách du lịch. Hoạt động vận chuyển, tàng trữ pháo lậu từ vùng biên vào sâu bên trong nội địa ngày càng tinh vi, sử dụng rất nhiều mánh khóe.

Thuê xe du lịch, taxi để buôn pháo lậu

Pháo lậu ồ ạt đổ vào các tỉnh phía Bắc ảnh 2
Lực lượng liên ngành ở tỉnh Quảng Ninh tổ chức tiêu hủy hàng lậu và pháo lậu

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, những năm trước, phương tiện vận chuyển pháo lậu chủ yếu của dân buôn lậu là xe khách.

Tuy nhiên, theo cách này, nhiều phi vụ đã bị sa lưới. Năm nay, dân buôn pháo lậu đã chuyển sang một mánh khóe mới là sử dụng xe taxi để chở pháo, nhằm dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng.

Mới đây, vào ngày 13-12-2007, Đội Quản lý thị trường số 2 (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) đã bắt quả tang xe taxi mang BKS 29V-8436 do Giang Thanh Tuấn, trú tại đường Bến Bắc, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, điều khiển đã “ém” tới 497 kg pháo nổ nhập lậu từ cửa khẩu Tân Thanh trên đường về Hà Nội tiêu thụ. Vụ việc đã bị đưa ra khởi tố vào ngày 27-12-2007 vừa qua.

Mánh thứ hai là xé lẻ các “mẻ” pháo được mua từ chợ Lũng Vài (Trung Quốc) để thuê cửu vạn “ôm” qua cửa khẩu đưa về thị trấn Tân Thanh, Đồng Đăng. Tại đây, chủ của các lô pháo mới thu gom lại, chia thành các bịch pháo có trọng lượng dưới 30kg (theo quy định, cứ buôn bán, vận chuyển trên 30kg pháo lậu là bị khởi tố hình sự) để tiếp tục thuê đội quân “chim lợn” (xe Minks) chở tốc hành thẳng về tận Hải Phòng, Hà Nội.

Theo thượng úy Đoàn Văn Giang, Trạm phó Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt (huyện Cao Lộc) thì khi dân buôn lậu sử dụng thủ đoạn này, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát và cũng không đủ sức và thời gian để kiểm soát được toàn bộ. Đặc biệt là khi dân buôn pháo lậu trong vai những khách du lịch, sử dụng cả xe du lịch để chở pháo lậu thì cơ quan chức năng gần như bất lực.

Còn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, năm nay cuộc chiến ngăn chặn pháo lậu của các cơ quan chức năng còn tốn nhiều mồ hôi, công sức hơn khi dân buôn lậu sử dụng những chiêu thức, mánh khóe mới.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, những năm trước, khi dân buôn lậu còn sử dụng quốc lộ 18A (Hạ Long-Móng Cái) làm huyết mạch chính để tuồn pháo từ vùng biên vào nội địa thì việc kiểm tra, kiểm soát khá dễ dàng.

Nhưng giờ đây, hoạt động kiểm soát gặp nhiều khó khăn, thách thức gấp bội vì phần lớn dân buôn lậu đã chuyển sang tuyến đường biển. Công an và bộ đội biên phòng là hai lực lượng chính có thể ngăn chặn mạng lưới pháo lậu trên biển, nhưng nhiều khi cũng bất lực với những mánh khóe.

Để qua mặt các trạm kiểm soát của CSGT đường thủy, bộ đội biên phòng… dân buôn pháo lậu đường biển thường sử dụng tàu không số, thậm chí còn đóng cả những chiếc bè, mảng gỗ gắn máy để chở pháo lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Buôn lậu đường biển, khi bị cơ quan chức năng truy đuổi, chủ hàng rất dễ phi tang pháo lậu. Nhiều chủ hàng sẵn sàng dìm cả bè, mảng gỗ xuống biển, nhảy sang tàu lớn thoát thân.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đối tượng còn ngụy trang tàu buôn lậu thành những tàu chở than cám, mặc sức tung hoành trên một vùng biển rộng. Nhiều chủ tàu ở tận những tỉnh xa như Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa giờ đây cũng lên vùng biên để buôn pháo lậu.

Trước tình trạng buôn lậu pháo ngày càng nóng bỏng và khó xử lý, ngày 25-12-2007 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra văn bản kêu gọi người dân tự giác nộp các loại pháo lậu để tiêu hủy với chính sách sẽ miễn việc xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự cho họ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, hiện nay khi tình trạng buôn bán pháo lậu đang có chiều hướng bùng phát trở lại thì để ngăn chặn pháo có hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát ở các cửa ngõ buôn lậu thì các địa phương cũng cần phải tăng cường hơn việc ngăn chặn và xử phạt người đốt và sử dụng pháo trái phép. Bởi hiện nay, việc xử lý người đốt pháo đang gần như bị buông lỏng.

Theo Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt (Đồng Đăng - Lạng Sơn), điều đáng lo ngại là năm nay đã bắt đầu xuất hiện loại pháo nổ hình lựu đạn được tuồn từ Trung Quốc vào nội địa.

Trong 12 vụ mà Trạm kiểm soát Dốc Quýt bắt được trong tháng 11 và 12-2007, ngoài 352kg pháo nổ, 1.200 que pháo hoa, lực lượng đặc nhiệm còn phát hiện được hơn 200kg “pháo lựu đạn” và mỏ vịt. Ngoài ra, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng thu giữ được 52 quả. Đây là loại pháo phát ra tiếng nổ lớn, có thể gây sát thương cho người khác.

Theo Văn Phúc Hậu
SGGP

MỚI - NÓNG