Phản ứng trái ngược về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G-8

Phản ứng trái ngược về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G-8
(TPO) - Trong khi nguyên thủ các nước G-8 tuyên bố thắng lợi thì các tổ chức nhân đạo lại cay đắng gọi thoả thuận "thêm 50 tỷ USD viện trợ" là sự keo kiệt của những tay nhà giàu.
Phản ứng trái ngược về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G-8 ảnh 1
Thủ tướng Anh Tony Blair phát biểu bế mạc Hội nghị G-8, phía sau là các nhà lãnh đạo G-8 và châu Phi

Hãy điểm xem G-8 đã đạt được những gì tại Gleneagles. Một Hội nghị bị rung chuyển bởi khủng bố, cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và một thoả thuặn tăng viện trợ cho các nước châu Phi, cũng như chính quyền Palestine.

Thủ tướng Anh Tony Blair, trong bài phát biểu bế mạc Phiên họp 3 ngày của G-8, đã khẳng định "Âu cũng là điều tự nhiên của chính trị: chúng ta không thể đạt được tất cả mọi điều mà chúng ta hy vọng đạt được. Tuy nhiên, tôi tin là chúng tôi thật sự đã đạt được một bước tiến đáng kể".

Trước những lời chỉ trích, thủ tướng Blair cũng phải thừa nhận kết quả khá nghèo nàn của Hội nghị lần này. "Chúng ta không thể biến đói nghèo thành lịch sử chỉ bằng một thoả thuận". Nhưng theo ông, G-8 đã thể hiện một "mong ước chính trị" trong việc chấm dứt tình trạng đói nghèo và hiệu ứng nhà kính.

Với sự chấp thuận vào phút cuối của Nhật Bản, ông Blair đã giành được một thắng lợi quan trọng khi nâng được mức viện trợ cho châu Phi từ 25 tỷ USD hiện tại lên 50 tỷ USD vào năm 2010.

Nghệ sĩ Geldof, một trong những nhà vận động nổi tiếng nhất, đã ca ngợi cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi này của G-8. Ông gọi đây là "quyết định cứu sống 10 triệu người", trong khi thủ lĩnh Bono của ban nhạc U2 thốt lên "Thế giới đã nói và các chính trị gia đã lắng nghe".

Nhưng các tổ chức nhân đạo thì không nghĩ vậy.

"Cái châu Phi cần từ G-8 là một sự thay đổi hoàn toàn, một bước tiến dài về phía trước. Nhưng tất cả những gì họ có chỉ là những bước chân tí hon", đại diện của ActionAid bình luận. "Bản thoả thuận công bố hôm qua thực sự khiến chúng tôi thất vọng. Có viện trợ đấy, nhưng không thể đủ được. Có xoá nợ đấy, nhưng quá ít. Và gần như chẳng có gì liên quan đến tự do thương mại cả".

Có phần cực đoan hơn, Peter Hardstaff, giám đốc chính sách của tổ chức Phát triển thế giới, miêu tả tuyên bố cuối cùng của Hội nghị là "một thảm hoạ cho người nghèo toàn thế giới", "chẳng giải quyết được vấn đề gì của nạn đói nghèo và cuộc khủng hoảng môi trường chúng ta đang phải đối mặt".

Giám đốc ngân hàng thế giới Paul Wolfowitz khẳng định kế hoạch viện trợ thành công hay không còn tuỳ xem các nước giàu và giới lãnh đạo châu Phi thực hiện cam kết của mình như thế nào. Cũng theo ông, để các nước đang phát triển cạnh tranh được công bằng, nội dung tự do thương mại còn cần nhiều tiến triển hơn nữa.

"Điều quan trọng là phải nhận thức được đây là một quan hệ hợp tác. Không chỉ đơn giản là xuất ra nhiều tiền hơn. Bản thân các nhà lãnh đạo châu Phi phải hiểu được trách nhiệm của họ trong việc tiêu số tiền viện trợ thế nào cho khôn ngoan".

Tuy thuyết phục được G-8 tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi, ông Blair lại thất bại trong việc vận động tất cả các nước G-8 đóng góp 0,7% GDP cho viện trợ quốc tế vào năm 2015.

Trong cuộc họp báo tổng kết Hội nghị, ông cho biết EU đã đồng ý ủng hộ kế hoạch này, nhưng không nhắc gì đến Mỹ. Cho tới nay, Mỹ vẫn chỉ chấp nhận mức đóng góp 0,16% GDP, thấp nhất trong số các nước G-8.

Bên cạnh việc tăng viện trợ, G-8 cũng định ra thời điểm thảo luận về vấn đề chấm dứt trợ giá cho hàng nông sản xuất khẩu. Thủ tướng Blair tin rằng vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp của WTO vào tháng 12 tới tại Hồng Kông.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.