Phân tầng đại học: Chớ theo “cảm tính”!

 Sinh viên trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trường đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sinh viên trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trường đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 2/10/2014, Bộ GD&ĐT công bố và xin ý kiến đóng góp rộng rãi đối với “Dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học” (GD ĐH), ngay lập tức có ý kiến băn khoăn về tiêu chí xếp hạng.

Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

Ông đánh giá như thế nào về những tiêu chí mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH?

Đó mới chỉ là những tiêu chí chưa được đưa ra thảo luận mà chỉ do một nhóm soạn thảo hoặc một ban nào đó của Bộ GD&ĐT đứng ra phác thảo. Theo tôi, phân tầng trường ĐH là điều nên làm nhưng những tiêu chuẩn đưa ra chưa thực sự chuẩn xác.

Việc đánh giá này cần khách quan có các tiêu chí khoa học được dư luận bàn thảo và chấp nhận chứ không phải là ý kiến chủ quan của một nhóm người muốn xếp trường này loại 1 trường kia loại 2!

Vậy theo ông việc đánh giá này cần thực hiện thế nào?

Ở VN hiện nay số trường ĐH phát triển ồ ạt nên có quá nhiều trường, thuộc nhiều nhóm. Vì vậy, tiêu chí phân tầng phải được thảo luận giữa các nhóm các nhà khoa học. Ngay cả việc hiện nay, căn cứ vào đâu mà cứ gọi là trường tốp 1 hay tốp 2. Có phải trường công toàn tốp 1 không, có những trường tiếng là ĐH công lập nhưng xã hội đánh giá rất thấp…

Theo tôi, trước hết phải đánh giá năng lực khoa học, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, vai trò với việc phát triển giáo dục và định hướng phát triển của đất nước, vai trò trong cùng tốp ngành đào tạo ĐH, không thể so sánh một trường đào tạo kinh tế với trường đào tạo khoa học kỹ thuật.

Thậm chí còn cần phân định rõ trường nào dẫn đầu nhóm nào, có những công trình khoa học hoặc chương trình mà các trường khác phải đi theo.

Hai là, cần đánh giá cơ sở vật chất và kỹ thuật trường ĐH- trên thực tế có thể là trường ĐH công lập nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, chỉ có bảng đen-phấn trắng, không phòng thí nghiệm, nay học chỗ này mai dạy chỗ kia.

Cơ sở vật chất phải là một tiêu chí quan trọng. Ba là, cần đánh giá quy mô phát triển trong những năm qua; sản phẩm tạo ra có được xã hội chấp nhận và sử dụng hay không, sinh viên có việc làm hay không?

Đã có những trường qua tới 4 đời hiệu trưởng không xây xong một công trình. Nhìn chung, phải đưa ra các tiêu chí được xã hội thừa nhận, chứ không phải chỉ mấy “ông” ngồi công nhận với nhau là đủ. Sau đó, vấn đề cần được thảo luận với các hiệu trưởng đại diện cho các nhóm trường khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, các tiêu chí được đặt ra có vẻ như mang nặng “cảm tính” trong khi chúng ta cần có những tiêu chí mang tính tham khảo từ nhiều nước để dần dà các trường ĐH của Việt Nam có thể hòa nhập quốc tế. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Tham khảo và học tập là điều cần phải làm dù cho chúng ta không thể so sánh được với các cường quốc về giáo dục như Anh, Mỹ, Pháp nhưng ít nhất chúng ta cũng phải và có thể sánh được với Hàn Quốc, Thái Lan, những nước xuất phát điểm từ năm 1975 còn kém Việt Nam.

Nay, một người lao động Singapore bằng 15 người Việt Nam; một người Thái bằng 5 người Việt thì là điều đáng để suy ngẫm. Phải xem giáo dục của họ thế nào, trường ĐH của họ thế nào, tiêu chí của họ thế nào… mà tham khảo và học tập.

Sau khi họp, bàn, lấy ý kiến rộng rãi, phải thống nhất bao nhiêu tiêu chí định lượng, bao nhiêu tiêu chí định tính và sau đó phải có một sự kiểm tra thực sự, chứ không “cảm tính” (lại “cảm tính”).

400 trường mà có 10 trường top 1 là tốt rồi, tốp 10 theo tiêu chí của VN và phải làm thế nào khi công bố top 10 các trường thán phục chứ không phải công bố chỉ… để công bố thì không ổn.

Cám ơn ông!

Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của Dự thảo quy định này nhằm phân tầng các cơ sở GD ĐH, xếp hạng và khung xếp hạng các cơ sở GD ĐH.

Theo đó, 5 hạng cơ sở GD ĐH được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số, cụ thể như sau: hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.

Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần. Bộ GD&ĐT lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở GD ĐH.

Phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân tầng cơ sở GDĐH cho từng giai đoạn. Dự thảo cũng ra 3 tiêu chí phân định các cơ sở GD ĐH là: định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành.

H.T

MỚI - NÓNG