Phận người trong giá buốt: Những cửu vạn trong đêm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc cho cơn mưa đêm mỗi lúc một nặng hạt trong đêm giá buốt, những cửu vạn ở chợ đầu mối Long Biên (Hoàn Kiếm - Hà Nội) vẫn miệt mài gùi, kéo những xe hàng để mưu sinh. Đằng sau những phận người đang oằn mình khuân vác, kéo những chiếc xe đầy ắp hoa quả đến đẫm mồ hôi trong cái lạnh thấu xương là những câu chuyện rưng rưng.
Phận người trong giá buốt: Những cửu vạn trong đêm ảnh 1

Cảnh những cửu vạn kéo xe đầy ắp hàng trong chợ Long Biên

Khô áo, ráo tiền

Từ 21h, chợ Long Biên đã bắt đầu tấp nập. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ về trong chợ. Đây cũng là thời điểm đàn ông, phụ nữ và cả những người già với dụng cụ chủ yếu là chiếc xe kéo bắt đầu hành trình mưu sinh của mình. Họ đứng lố nhố theo từng nhóm một, mắt luôn luôn hướng về những chủ hàng để chờ cái vẫy tay hay lời mời gọi.

23h, nhiệt độ càng xuống thấp, kèm theo mưa phùn giá buốt, bước qua cửa là sức nóng trong chợ đã tỏa ra hầm hập. Đây là thời điểm chợ nhộn nhịp nhất, hàng hóa khắp nơi ùa về, đổ xuống, được chủ hàng chia đi các ngả đường. Từ cổng chợ đã nườm nượp người kéo xe hai càng chở hàng từ xe tải ra điểm tập kết. Quãng đường chưa đầy 1km nhưng đường sá ngoằn ngoèo, lởm chởm, trời mưa khiến nhiều chỗ sình lầy, bẩn thỉu nhưng không làm những phu kéo chùn chân. Tất cả huyên náo, ồn ào khác hẳn với phía bên kia đường là một Hà Nội yên tĩnh.

Sau chuyến hàng đầu tiên, chị Nguyễn Thị Bích (quê ở Hưng Yên) dựng xe kéo chờ chuyến mới. Bỏ chiếc khăn choàng đầu, khuôn mặt chị ửng đỏ, lộ nét khắc khổ.Chiếc áo thun mỏng trên mình thấm đẫm mồ hôi. Thấy chúng tôi đến, chị Bích cười hóm hỉnh: “Em phỏng vấn à?”. Chị Bích đã có thâm niên 22 năm làm khuân vác ở chợ Long Biên.

“Năm 19 tuổi tôi lấy chồng, sau đó lên chợ làm, gắn bó với nó, nay đã 42 tuổi rồi. Lúc đầu đi phụ việc, dọn dẹp đến năm 2000 tôi chuyển sang kéo xe hàng. Hai chị em thuê trọ ở sau chợ, làng Phúc Xá này. Ngày ngủ, tối đến dậy nấu cơm ăn rồi ra chợ, ai thuê gì bốc nấy”, chị Bích cho hay.

Chị khoe, hôm nay có khách quen gọi sớm, chị đi làm từ 10 giờ, kiếm được hơn 100 nghìn đồng.

“Làm nghề này cực lắm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới nhận được đồng tiền công. Cũng phải tìm cho mình khách quen, thu nhập mới đều. Nếu không có khách quen, chỉ chậm một phút là mất mối làm ăn. Sau hàng chục chuyến hàng nặng trịch, loạng choạng nhưng vẫn phải cố kéo cho bằng hết. Mấy lần tôi cũng thử nghỉ, xin đi làm công nhân ở quê nhưng không theo được, đành quay lại đây làm tiếp chú ạ”, chị Bích chia sẻ.

Theo chị Bích, chở hay bốc vác những thùng hoa quả nặng như xoài (khoảng 40 - 50kg) có giá 5.000 đồng/hộp, loại khác thì 2.000-3.000 đồng/hộp. Khi hết việc của khách quen, muốn kiếm thêm thì rong xe trong chợ, ai gọi gì chở đấy. “Hai chị em thuê căn phòng hơn 1 triệu, tiền gửi xe ở nhà, ở chợ khoảng 6 trăm nghìn đồng. Nếu chăm chỉ mỗi tháng cũng kiếm được 5 - 6 triệu đồng, đủ nuôi hai cháu ăn học ở quê”, chị Bích cho biết.

Cạnh đó, chị Thanh (50 tuổi) cùng quê ở Hưng Yên cũng vừa xong chuyến hàng đầu tiên dừng xe chờ hàng. Mồ hôi trên trán túa ra, chảy thành vệt thấm đẫm chiếc áo khác mỏng. Dáng người chị nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ nhưng đôi chân vẫn thoăn thoắt kéo xe hàng chất đầy những thùng táo, lê. Cũng vì thế mà hơn chục năm qua, dù đã cao tuổi, chị Thanh vẫn có khách gọi chở.

Vừa gạt vội những giọt mồ hôi, chị Thanh vừa tâm sự: “Cháu lớn vào đại học, gia đình khó khăn, chỉ nhờ vào 3 sào ruộng của hai vợ chồng không đủ ăn. Những ngày khi mới làm nghề bốc vác, chưa quen việc, hôm nào đi làm về tay chân cũng sưng đỏ, đau nhức, ê ẩm khắp người, tưởng như không thể làm nổi. Nhiều lần tôi định bỏ về quê, nhưng nếu không làm ở đây thì không thể nuôi được hai cháu học đại học”.

Đang dở câu chuyện với chúng tôi, chị Thanh được một đồng nghiệp gọi giật: “Có kéo không, nhà Trường đấy, ra nhanh đi”. Chị Thanh vội vã đứng dậy, kéo xe đi thoăn thoắt, miệng gọi với: “Cho em xin chuyến anh Trường ơi?”, nhưng đáp lại là cái lắc đầu “hàng lớn, không kéo được em ơi”. Buồn bã quay đi, chị bảo: “Làm ở đây cũng bạc, ngày Tết không có người, họ gọi mình kéo, giờ thì không cho”.

Xây những ước mơ

Phận người trong giá buốt: Những cửu vạn trong đêm ảnh 2

Bốc vác những thùng hoa quả nặng khoảng 40 - 50kg, lao động chỉ được trả 5.000 đồng/hộp

Đến một góc khác trong chợ, chúng tôi gặp anh Thu (quê ở Hưng Yên) đã có thâm niên 20 năm làm nghề khuân vác ở đây. “Tôi làm ở đây từ năm 28 tuổi, năm nay đã 48 tuổi rồi. Trước đây bốc vác rồi nâng lên chiếc xe kéo nhỏ, giờ thì kéo cái xe trọng tải lớn hơn. Cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi chú ạ”, anh Thu chia sẻ.

Anh Thu cho biết, 20 năm trước, anh theo nhóm bạn cùng quê lên Hà Nội kiếm việc làm và ngay từ ngày đầu bước chân sang Hà Nội anh đã gắn bó luôn với cái chợ đêm này.

“Chúng tôi hơn 10 người thuê trọ phía sau chợ. Ngày nghỉ, đến 22h đêm thì kéo nhau ra chợ, ai thuê gì bốc dỡ nấy. Đến năm tôi 30 tuổi, tôi bén duyên với người phụ nữ cũng làm bốc vác ở đây, lại cùng quê. Thế là cưới và cả hai vợ chồng tôi bám lấy cái chợ này sinh sống”. Chỉ tay về người phụ nữ đang oằn mình phía xa xa kéo hàng, anh bảo đấy là bà xã mình. Làm thêm được hơn một năm nữa thì vợ anh có bầu về quê sinh nở, còn anh tiếp tục với công việc cửu vạn của mình.

Cũng theo chia sẻ của anh Thu, chừng 5 năm trở lại đây, cánh “phu hàng” các anh không đi thuê nhà trọ để ở nữa mà có một xe trung chuyển chở đi làm. “Tầm 20 - 21h là xe đón chúng tôi ở quê, sau đó chở sang chợ này làm việc. Người khỏe thì vẫn túc tắc làm công việc của nhà nông, người yếu thì nghỉ ngơi, dưỡng sức để đêm lại bước vào một "ngày" mới”. Cùng đội bốc dỡ hàng với anh Thu, Khanh, 21 tuổi, mới vào nghề cho biết, ở quê không có việc làm, nên theo các anh, các chú sang đây làm phu khuân vác.

“Mỗi chuyến hàng phụ thuộc vào loại hàng gì, và quãng đường bao xa để chủ hàng và những người lao động như chúng em đưa ra một cái giá. Phần lớn, mỗi thùng hàng loại 10kg, người khỏe, mỗi chuyến kéo được 30 - 40 thùng (4 tạ)", Khanh chia sẻ và cho biết thêm: “Làm đêm, vất vả, cơ cực lắm anh ạ. Vừa làm ở đây em vừa tranh thủ hàng ngày về học thêm nghề sửa chữa điện tử và ước mơ sẽ mở được cửa hàng sửa chữa điện tử”, Khanh cho biết.

(Còn nữa)

3h sáng, những chuyến xe kéo của phu cửu vạn cũng thưa dần, những chuyến xe tải của thương lái cũng nổ máy ra về. Thấp thoáng trong một con ngõ nhỏ trở về khu ở trọ, dáng những phu khuân vác liêu xiêu, trong cái giá lạnh tái tê.

MỚI - NÓNG