Phần Lan nói về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân nếu gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không đi kèm với nghĩa vụ phải cho phép liên minh triển khai vũ khí hạt nhân hoặc đặt căn cứ quân sự.
Phần Lan nói về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân nếu gia nhập NATO ảnh 1
Thủ tướng Sanna Marin. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được Thủ tướng Marin đưa ra trong chuyến thăm Rome (Ý) hôm 18/5.

Trả lời câu hỏi của nhật báo Corriere della Sera về quan điểm của Phần Lan đối với việc cho phép NATO triển khai vũ khí hạt nhân và đặt các căn cứ vĩnh viễn ở nước này, bà Marin cho biết: "Không ai ép chúng tôi phải tiếp nhận vũ khí hạt nhân hay đặt căn cứ quân sự nếu chúng tôi không muốn":

Nữ thủ tướng nhấn mạnh rằng về cả 2 việc này, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Phần Lan.

"Phần Lan có luật cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi. Vì vậy tôi cho rằng vấn đề này không cần phải bàn tới. Không có lợi ích gì từ việc triển khai vũ khí hạt nhân hoặc mở căn cứ ở Phần Lan."

Tuyên bố của bà Marin có nội dung tương tự thông báo ngày 15/5 của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển - quốc gia đang cùng Phần Lan đăng ký gia nhập NATO. Đảng này tuyên bố sẽ thúc đẩy việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, nhưng không ủng hộ “việc triển khai vũ khí hạt nhân và đặt các căn cứ thường trực trên lãnh thổ nước này”.

Thủ tướng Marin cho biết Helsinki "kì vọng rằng việc trở thành một phần của NATO sẽ giúp đảm bảo rằng xung đột không bùng phát ở Phần Lan". Theo bà Marin, "Phần Lan tin rằng Nga sẽ không trả đũa vì nước này gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu".

“Tổng thống của chúng tôi - Sauli Niinisto đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ngạc nhiên là lãnh đạo Nga khá bình tĩnh", bà Marin tiết lộ. "Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng sẽ không có động thái nào từ phía Nga. Nếu có, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với các tình huống khác nhau, bao gồm cả các cuộc tấn công mạng hoặc tấn công hỗn hợp".

Trước đó, Mátxcơva từng cảnh báo rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga, buộc Nga phải có biện pháp đảm bảo an ninh.

Thụy Điển và Phần Lan – quốc gia có đường biên giới dài hơn 1.000km với Nga – đã quyết định đảo ngược chính sách trung lập quân sự đã duy trì suốt hàng chục năm sau khi chứng kiến xung đột Nga – Ukraine.

Ngày 18/5, hai quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của khối ở Brussels (Bỉ), bắt đầu quá trình xét duyệt tư cách thành viên dự kiến sẽ kéo dài khoảng một năm.

Mátxcơva cho rằng việc Phần Lan gia nhập liên minh sẽ ảnh hưởng đến vai trò hòa giải, trung gian của nước này. Nhưng Thủ tướng Marin cho biết bà hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.

“Chúng tôi muốn tiếp tục duy trì là một nước trung gian đáng tin cậy. Trên thực tế, chúng tôi xem việc xin gia nhập NATO là một hành động vì hòa bình, không phải vì chiến tranh”, bà nói.

Theo RT
MỚI - NÓNG